28/01/2021 03:03
Những năm gần đây, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tập trung đổi mới các phương thức truyền thông trong cộng đồng liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tập trung vào hoạt động sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…
Tập huấn về công tác dân số.
Trong năm 2020, Chi cục đã tổ chức 45 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh sản xuất 12 Chuyên mục truyền hình Dân số và phát triển, treo hàng nghìn băng rôn và nhân bản hàng nghìn tờ rơi, tuyên truyền trên mạng xã hội; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo về những vấn đề trong công tác dân số ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn tại các huyện, thị xã và thành phố cũng đã tổ chức được 140 buổi nói chuyện chuyên đề về dân số và phát triển cho lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và những người có uy tín trong cộng đồng; cung cấp hơn 237 nghìn tờ rơi về kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên. Bên cạnh đó là việc tổ chức hàng nghìn buổi truyền thông trực tiếp tại nhà cộng đồng, hộ gia đình...Bà Đinh Thị Tố Nga – Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đến vùng sâu, vùng xa nhằm chuyển đổi hành vi của người dân về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số...”
Nhờ đổi mới các hoạt động truyền thông nên công tác dân số ở tỉnh Đắk Lắk nói chung và vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được triển khai rộng rãi đến với từng hộ dân, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng sử dụng biện pháp tránh thai chiếm gần 74%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn khoảng 13,1%; mỗi năm có hàng chục nghìn trường hợp được sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng giảm xuống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên được cải thiện đáng kể...
Tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh Đắk Lắk còn gặp không ít khó khăn do kinh phí truyền thông còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu, thiếu tính sáng tạo và đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Việc thay đổi hành vi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số khó khăn nhất định do tư tưởng và tập quán lạc hậu vẫn chi phối đời sống và hành động ở một số cộng đồng dân cư. Tình trạng tảo hôn và sinh đông con còn tồn tại, tư tưởng trọng nam khinh nữ...Không những thế, Đắk Lắk là tỉnh có đến 49 dân tộc anh em chung sống, phong tục tập quán khác nhau cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền thông dân số...
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác