08/02/2021 03:12
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nên qua 5 năm (2015-2020) triển khai Nghị định số 39 của Chính phủ quy định hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số ở tỉnh Đắk Lắk đã góp phần chuyển đổi hành vi của người dân về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao đời sống của người dân.
Vận động phụ nữ nghèo sinh con đúng chính sách dân số.
Theo Nghị định số 39 năm 2015 của Chính phủ: phụ nữ người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. 5 năm qua, Nghị định đã triển khai thực hiện tại 53 tỉnh trên cả nước, hỗ trợ cho 73.755 phụ nữ dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 147 tỷ đồng. Nghị định số 39 đi vào cuộc sống đã thúc đẩy thực hiện chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; nhận thức của đồng bào về công tác dân số ngày càng cao, tuân thủ quy mô gia đình ít con, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, sinh đủ 2 con để đảm bảo chất lượng chăm sóc và nuôi dạy con.
Gia đình chị Chị Nông Thị Đào ở xã Cư AMung, huyện Ea Hleo là một trong những hộ thực hiện tốt chính sách dân số. Nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định số 39, chị Đào ý thức hơn trong việc thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, đồng thời chăm lo phát triển kinh tế gia đình để phấn đấu thoát nghèo.
Ở xã vùng II, thuộc huyện nghèo Ea Hleo thế nhưng bà con đồng bào Tày và Nùng tại xã Cư Amung có nhận thức rất cao về chính sách dân số. Trong đó, Nghị định 39 đã tác động không nhỏ đến việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên toàn xã 1,2%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn khoảng 5% thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung toàn tỉnh. Nghị định không chỉ tác động tích cực đến nhận thức người dân mà còn tạo thuận lợi cho đội ngũ làm công tác dân số trong quá trình truyền thông vận động. Chị Nguyễn Thị Điệp – Viên chức dân số xã Cư Amung cho biết: “Điều vui nhất đối với những người làm công tác dân số như chúng tôi là hiện nay phần lớn các cặp vợ chồng ở xã Cư AMung đều thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Người dân không còn tư tưởng thích sinh đông con như trước đây”.
Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Không riêng gì ở xã Cư Amung, huyện Ea Hleo mà tại tỉnh Đắk Lắk, Nghị định số 39 đã kịp thời động viên hơn 1.800 hộ nghèo đồng bào dân tộc không sinh con thứ 3 trở lên để nuôi dạy con tốt, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều đáng ghi nhận là các gia đình dừng lại ở 2 con không phải do muốn nhận tiền hỗ trợ mà đã ý thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch. Một số xã vùng khó khăn còn giảm được tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện cuộc sống. Thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số toàn tỉnh Đắk Lắk xuống dưới 12%. Ông Trần Xuân Nhĩ – Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk: “Chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể truyền thông sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa để họ hiểu được ý nghĩa thiết thực của Nghị định 39 với việc thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Từ đó, đã chuyển biến tích cực hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đồng tình thực hiện mô hình mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 người con”.
Có thể nói, Nghị định số 39 của Chính phủ là một chủ trương đúng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào. Nguồn lực này đã động viên phụ nữ dân tộc thiểu số hạn chế sinh con thứ 3, tập trung cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cũng như nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác