26/03/2021 04:28
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là công việc hằng ngày của các Cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Công việc gian nan, vất vả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng những Cộng tác viên dân số nơi đây vẫn gắn bó với buôn làng, âm thầm cống hiến công sức của mình cho công tác dân số.
Cộng tác viên dân số vận động người ân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
4 năm nay, chị Nông Thị Hiệp, Cộng tác viên dân số thôn 5, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo vẫn lặn lội đến từng hộ dân để tuyên truyền về chính sách Dân số. Dù địa bàn hoạt động khá rộng, dân cư ở rải rác, đường sá đi lại khó khăn, nhưng ngày qua ngày, chị Hiệp vẫn đều đặn đến từng nhà để vận động kế hoạch hóa gia đình. Chị tranh thủ lúc giờ cơm trưa, chiều tà hoặc buổi tối, chú trọng vào các gia đình đã sinh 1 hoặc 2 con để tư vấn lợi ích của sinh ít con, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ...Tuy vậy, không phải cứ tìm đến vận động là họ hiểu và chấp hành ngay mà nhiều hộ còn tránh mặt, không tiếp xúc, thậm chí còn có những lời bóng gió rất khó nghe. Đôi khi để vận động được một gia đình thực hiện các biện pháp KHHGĐ, chị Hiệp đi lại nhiều lần mới thành công. Chị Nông Thị Hiệp cho biết: “Trình độ dân trí chưa đồng đều, ý thức tụ giác về kế hoạch hóa gia đình là trở ngại lớn nhất trong công tác truyền thông dân số”.
Xã Cư A Mung hiện có 9 Cộng tác viên dân số dân số phụ trách 7 thôn với gần 1.200 hộ dân. Để thực hiện tốt công tác truyền thông về dân số ở xã có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này quả thực không hề đơn giản. Đội ngũ Cộng tác viên đã phải kiên trì tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ vậy đã thay đổi dần những nếp nghĩ, hủ tục lạc hậu của bà con, từng bước đẩy mạnh việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Điệp – Viên chức dân số xã Cư Amung cho biết: “Mặc dù phụ cấp ít ỏi nhưng Cộng tác viên dân số vẫn rất tâm huyết với công việc. Họ không quản ngại khó khăn, gác lại việc nhà để đi vận động người dân sinh con đúng chính sách dân số”.
Còn chị H’Loét Niê làm Cộng tác viên dân số buôn Ea Knốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar suốt 20 năm nay. Chị đã thấm những vui, buồn của công việc này. Biết người dân còn nặng quan niệm “đông con hơn nhiều của”, “nhà có nếp, có tẻ”, chị H’Loét không ngại khó, bám sát các gia đình đã có từ 2 đến 4 con, nhất là những gia đình sinh con một bề để tuyên truyền, vận động kế hoạch. Thậm chí có gia đình mà người chồng bất hợp tác, chị phải tiếp tục tỉ tê tâm sự, vận động cho bằng được mới thôi. Đồng thời, chị lồng ghép tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, vận động vị thành niên/thanh niên không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Cộng tác viên dân số cung cấp tờ rơi về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Buôn Ea Knốp nơi chị H’Loét làm Cộng tác viên dân số hiện có gần 220 hộ với 1.165 nhân khẩu, hầu hết dân số là đồng bào dân tộc Ê Đê. Nhờ sự tâm huyết của chị H’Loét nên ý thức của người dân về công tác dân số đã chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở buôn Ea Knốp chiếm gần 70%; không còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; mô hình mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con được người dân đồng tình hưởng ứng, số lượng bà mẹ và em bé được sàng lọc trước sinh và sơ sinh ngày càng nhiều...chất lượng dân số từng bước được cải thiện và nâng lên.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 3.450 Cộng tác viên dân số. Cùng với các viên chức dân số cấp xã, mạng lưới này đã đóng góp không nhỏ vào thành công của hoạt động truyền thông dân số ở cơ sở. Họ luôn có mặt ở tất cả các thôn, buôn kể cả những nơi xa xôi hreo lánh nhất, giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản; tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, sàng lọc trước sinh và sơ sinh...Đặc biệt, đội ngũ Cộng tác viên đã bám sát địa bàn, không quản nắng, mưa đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến cơ sở y tế thăm khám.
Có thể thấy, nhờ đội ngũ này mà nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, quy mô gia đình ít con ngày càng được người dân hưởng ứng thực hiện. Đồng thời, Luật Hôn nhân và gia đình được chấp hành nghiêm túc; các phong tục tập quán như tảo hôn, đông con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ...từng bước được xóa bỏ, góp phần giảm bớt sức ép về gia tăng dân số, cải thiện giống nòi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác