07/03/2017 08:18
Ngày 31/8/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1199/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 - 2015.
|
Chương trình mục tiêu Quốc gia DS - KHHGĐ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Võ Thảo). |
Duy trì mức sinh thấp hợp lý
Theo Quyết định này, Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (sau đây viết tắt là Chương trình) giai đoạn 2012 – 2015 có mục tiêu chung là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý để quy mô dân số sớm ổn định trong khoảng 115 – 120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Tập trung giảm sinh ở vùng có mức sinh cao, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và duy trì mức sinh ở các vùng miền có mức sinh thấp; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; mở rộng sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, các can thiệp làm giảm nguy cơ suy giảm số lượng và chất lượng dân số. Tổng mức đầu tư thực hiện Chương trình là 8.990 tỷ đồng.
Chương trình có 3 dự án và 1 đề án. Trong đó, Dự án Bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có mục tiêu đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho các đối tượng sử dụng; trên cơ sở bảo đảm hậu cần, mở rộng mạng lưới và đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các nhóm đối tượng khó tiếp cận, quản lý tốt chương trình DS - KHHGĐ ở cấp xã, góp phần thực hiện mục tiêu và tạo sự bền vững của chương trình DS – KHHGĐ.
Dự án Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, với mục tiêu nâng cao chất lượng tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước thông qua việc mở rộng sàng lọc và chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các can thiệp làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tiếp tục thử nghiệm và mở rộng một số mô hình, giải pháp can thiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số đối với các nhóm đối tượng đặc thù.
Dự án Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, với mục tiêu tăng cường truyền thông và chuyển đổi hành vi, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ; đào tạo tập huấn chuyên môn DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ các cấp; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin số liệu chuyên ngành DS – KHHGĐ; thực hiện tốt chính sách khuyến khích đối với cộng đồng, tập thể, cá nhân; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm truyền thông tư vấn và cơ sở dữ liệu DS – KHHGĐ, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 -2020.
Còn với Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển, mục tiêu là nhằm kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách DS – KHHGĐ và các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Nội dung cụ thể của Đề án như sau: Quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 34 triệu người vào năm 2015; Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72% vào năm 2015; Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đạt 80% vào năm 2015; Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2012-2015.
|
Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chăm sóc Sức khỏe sinh sản cho người dân. (Ảnh: Võ Thảo).
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
Quyết định 1199/QĐ – TTg còn đưa ra các giải pháp thực hiện Chương trình, trong đó có đề cập đến công tác lãnh đạo, tổ chức và quản lý. Cụ thể cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể nhân dân, đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động thường kỳ của các ngành, đoàn thể, lấy kết quả thực hiện công tác dân số là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó cần quan tâm, chú trọng tới công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi; Mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ. Huy động các nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ y tế đáp ứng các yêu cầu về quy trình và phân tuyến kỹ thuật, ưu tiên tuyến cơ sở và khu vực khó khăn; Đảm bảo hậu cần và tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai; Nâng cao chất lượng thu thập, cập nhật kho dữ liệu điện tử và thẩm định thông tin số liệu thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn nghiệp vụ cho các cấp. Tổ chức tốt việc lưu giữ, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin số liệu DS-KHHGĐ theo nhu cầu của người dùng tin, vv…
Quyết định 1199/QĐ – TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Một số mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015 gồm có: Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) từ 2,0 con năm 2010 giảm xuống còn 1,9 con vào năm 2015; Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người và tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015; Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân năm khoảng 0,1%o trong giai đoạn 2012 – 2015; Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 67,5% năm 2010 lên 70,1% vào năm 2015; Giảm số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa đạt mức sinh thay thế từ 29 tỉnh, thành phố năm 2011 xuống còn 17 tỉnh, thành phố vào năm 2015; Giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, để đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113; Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh giảm từ 3% năm 2010 xuống 2,5% năm 2015; Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh từ 1,5% năm 2010 lên 15% vào năm 2015; Tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc từ 6% năm 2010 lên 30% vào năm 2015; Tỷ lệ thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 10% vào năm 2015. (Nguồn Quyết định số 1199/QĐ – TTg) |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác