17/04/2021 08:53
Xã Ea Na, huyện Krông Ana là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, việc tuyên truyền đưa các chính sách dân số đến với người dân còn gặp không ít khó khăn.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra ở xã Ea Na.
Sau khi cưới nhau, anh Y Mer Kbuôr và chị H’Mui Mlô ở buôn Drai, xã Ea Na lần lượt sinh 4 người con gồm 1 gái và 3 trai. Không có đất đai canh tác, hàng ngày vợ chồng anh Y Mer phải đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Quanh năm suốt tháng làm lụng cực nhọc nhưng nhiều năm nay gia đình anh Y Mer vẫn luẩn quẩn với sự thiếu trước, hụt sau. Bên trong ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ dành cho hộ này chẳng có tài sản gì đáng giá cả. Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là những đứa trẻ trong gia đình này lớn dần lên trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và không được học hành đến nơi, đến chốn. Trong đó, người con đầu mới học hết lớp 8 đã phải bỏ học rồi đi kiếm tiền phụ giúp bố mẹ chăm các em. Chị H’Mui Mlô cho biết:“Vợ chồng mình thích sinh nhiều con và phải có con gái, sau này nó nuôi mình. Ở đây ai cũng muốn vậy”.
Còn vợ chồng chị H’Uyên Bkrông và anh Y Blăi Byă cũng ở buôn Drai đã sinh 2 người con trai. Tuy vậy, họ vẫn muốn sinh thêm con và phải có bằng được con gái. Chị H’Uyên cho biết: “Bây giờ mình lo làm ăn, vài năm nữa có điều kiện sẽ sinh thêm người con gái để được chăm sóc khi về già”.
Theo số liệu tổng hợp của trạm Y tế xã Ea Na, huyện Krông Ana, toàn xã hiện có 2.200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) có chồng. Những năm gần đây, mỗi năm có gần 200 trẻ em được sinh ra, tình trạng sinh đông con và sinh dày vẫn diễn ra thường xuyên. Năm 2019, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên của xã là 28 trẻ, còn năm 2020 là 30 trẻ. Nguyên nhân chính của tình trạng sinh đông con là do vẫn tồn tại phong tục tập quán thích sinh đông con và phải có đầy đủ con trai, con gái. Xã Ea Na có địa bàn rộng nên được phân công 22 Cộng tác viên dân số thôn, buôn. Hàng ngày, đội ngũ này đã tích cực đến từng hộ gia đình để tuyên truyền các chính sách về dân số cho người dân. Tuy vậy, quá trình đó gặp không ít khó khăn do còn nhiều gia đình không chịu hợp tác, họ nói rằng đẻ được thì nuôi được, thậm chí nói những lời khó nghe đối với cán bộ dân số.
Cán bộ Y tế xã Ea Na cung cấp tờ rơi về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trước tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, hàng năm Trạm Y tế xã Ea Na đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã tăng cường công tác chỉ đạo các đoàn thể và Ban tự quản thôn, buôn lồng ghép tuyên truyền về Dân số-kế hoạch hóa gia đình trong các cuộc họp. Đồng thời, bộ phận truyền thanh xã thường xuyên truyền tải các thông tin, chính sách về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh đó, Ban dân số xã đã phối hợp với Hội phụ nữ, đoàn thanh niên để duy trì sinh hoạt 9 câu lạc bộ về dân số; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông tại cộng đồng, phân tích cho người dân hiểu về lợi ích của sinh đủ hai con và khoảng cách sinh hợp lý, cấp phát hàng nghìn tờ rơi về bình đẳng giới, sàng lọc trước sinh và sơ sinh...Tuy vậy, hiệu quả vẫn còn hạn chế, tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra thường xuyên.
Chị H’Thảo Êban – Viên chức dân số xã Ea Na cho biết:“Chúng tôi luôn nỗ lực trong công tác tư vấn, vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hơn nữa, rất cần sự vào cuộc của các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn góp phần chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về kế hoạch hóa gia đình.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác