08/05/2021 09:26
Xa Cư Mta, huyện MDrắk hiện có hơn 1.600 hộ với gần 7.000 nhân khẩu sinh sống ở 18 thôn, buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số. Thời gian qua, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình còn nhiều thách thức.
Tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra ở vùng sâu.
Thực tế trong công tác dân số ở xã Cư Mta luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể cũng như Ban tự quản thôn, buôn trong việc lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách về dân số, Luật hôn nhân và gia đình đến với hội viên và người dân. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và sinh đông con vẫn còn xảy ra. Theo số liệu tổng hợp của cán bộ dân số xã Cư Mta, trong 2 năm (2019 và 2020) toàn xã có 2 trường hợp tảo hôn và 35 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân...Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Viên chức dân số xã Cư Mta cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tư vấn, vận động giúp người dân thay đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình. Tuy vậy, vẫn còn không ít trường hợp thích sinh đông con và phải có cả trai lẫn gái. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên”.
Cộng tác viên dân số cấp phát tờ rơi về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chị H’Mai Niê sinh ra và lớn lên ở buôn Đức, xã Cư Mta đã chứng kiến nhiều gia đình có cuộc sống khó khăn vất vả bởi lẽ sinh đông con. Thế nhưng, sau khi lấy chồng, chị đã lần lượt sinh 4 người con trai. Số con có thể sẽ tăng lên chỉ là vấn đề thời gian bởi trong suy nghĩ của vợ chồng chị vẫn mong muốn có một người con gái. Do sinh đông và sinh dày nên hàng ngày chị H’Mai quanh quẩn ở nhà chăm con và làm những công việc lặt vặt trong gia đình. Còn chồng của chị phải đi làm thuê, làm mướn từ sáng tới tối mới về. Dẫu vậy, kinh tế gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Điều đáng lo ngại hơn cả là những đứa con của chị lớn dần lên trong sự thiếu thốn về cái ăn, cái mặc. Mặc dù cán bộ dân số nhiều lần đến tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại để kế hoạch hóa gia đình nhưng chị H’Mai vẫn chưa áp dụng.
Còn chị Phạm Thị Cảnh xã Cư Mta, sau khi lấy chồng và trải qua 4 lần sinh chị đã có 5 người con. Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, sinh đông con đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bản thân cũng như gia đình chị. Từ 1 người phụ nữ năng động và tích cực tham gia văn nghệ, bóng chuyền ở địa phương, nay chị chỉ biết ở nhà chăm con. Mặc dù được người chồng thương yêu và chia sẻ việc nhà nhưng vẫn không thể khỏa lấp được những khó khăn, vất vả của người phụ nữ. Quỹ thời gian nhiều lần mang nặng đẻ đau đã làm cho sức khỏe của chị Cảnh giảm xuống rõ rệt. Kèm theo đó là những băn khoăn, lo lắng về tương lai của các con làm cho tinh thần của chị giảm xuống đáng kể.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều chị ở xã Cư Mta mang trên mình gánh nặng sinh đông, suy giảm về sức khỏe thể xác và cả tâm hồn, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn về công tác vận động kế hoạch hóa gia đình, mà việc triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở xã Cư Mta còn không ít trở ngại.
Trẻ em chịu nhiều thiệt thòi do bố mẹ sinh đông con.
Trong thời gian qua, cùng với các địa phương trong huyện, Ban dân số xã Cư Mta đã triển khai đồng bộ các hoạt động về can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...Tuy vậy, vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân nên tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, ý thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác