17/06/2021 10:38
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng dân số, hàng năm, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được ngành chức năng ở tỉnh Đắk Lắk tăng cường và đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong đó, các hoạt động truyền thông có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
Người dân đăng ký thực hiện sàng lọc trước sinh.
Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra. Trong số này, có khoảng 25.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Nhằm nâng cao chất lượng dân số, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được Bộ Y tế triển khai trong cả nước từ nhiều năm nay. Tại tỉnh Đắk Lắk, kể từ năm 2015 Đề án được triển khai sâu rộng ở 15/15 huyện, thị xã và thành phố. Sở Y tế Đắk Lắk đã giao cho Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Bệnh viện trường Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tổ chức nhiều lớp tập huấn siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh cho bác sỹ Trung tâm Y tế các huyện; kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh cho nữ hộ sinh Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, theo dõi, quản lý sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho cán bộ dân số cơ sở. Từ đó, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh từng bước đi vào cuộc sống, lan tỏa từ thành thị tới nông thôn, đến cả vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Lại Thị Mai – Viên chức dân số xã Cư Ni, huyện Ea Kar cho biết: “Chúng tôi tổ chức truyền thông chú trọng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu được lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh...”. Công tác truyền thông về Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở tỉnh Đắk Lắk được triển khai một cách đồng bộ, vừa mang tính chiều rộng, vừa mang tính chiều sâu. Ngành chức năng đã chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện, kể cả truyền thanh cấp xã. Đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Nhưng quan trọng nhất phải kể đến vai trò của đội ngũ những người làm công tác dân số ở cơ sở. Họ đã không quản ngại khó khăn, tích cực tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm nhỏ. Đồng thời, thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tư vấn kết hợp cung cấp tờ rơi về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Trong đó chú trọng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, nhất là những người từ 35 tuổi trở lên đang mang, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền...giúp họ tham gia thực hiện sàng lọc để sinh ra những người con phát triển bình thường.
Chị H’Thảo Êban - Viên chức dân số xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lồng ghép phối hợp để nâng cao hiệu quả thực hiện Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ được tiếp cận với các thông tin, kiến thức thông qua những hình thức truyền thông khác nhau nên nhiều người dân đã tham gia thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh”. Chị Tô Thị Bích Hòa ở xã Ea Na, huyện Krông Ana là một ví dụ cụ thể. Chị Hòa chia sẻ: trong quá trình mang thai, chị chú trọng bổ sung dinh dưỡng, khám thai định kỳ theo tư vấn của nhân viên y tế, đồng thời, thực hiện sàng lọc trước sinh. Đến lúc sinh con ra, gia đình chị đồng tình cho bác sỹ thực hiện sàng lọc sơ sinh cho con của mình. Qua sàng lọc chị đã biết được con của mình khỏe mạnh bình thường, đó là điều chị vụ nhất. Còn chị H’Gen Niê ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar trong quá trình mang thai cũng tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh để biết được tình trạng phát triển của thai nhi. Đồng thời, sau khi sinh ở Trung tâm Y tế huyện, chị H’Gen đồng ý để bác sỹ thực hiện lấy mẫu máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho con của mình. Hạnh phúc nhất của chị là người con mình sinh ra phát triển bình thường; không bị bệnh, tật bẩm sinh.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tuy vậy, so với con số mỗi năm toàn tỉnh có trên 30.000 trẻ em được sinh ra thì tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh còn thấp, chưa đến 30%. Thực tế thì vấn đề chăm sóc thai sản, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gặp khó khăn từ nhiều phía. Đầu tiên là nhiều sản phụ chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đặc biệt là các sản phụ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí, nhiều thai phụ đi khám thai chỉ với mục đích để biết con trai hay gái. Ngay cả việc triển khai lấy mẫu máu gót chân trẻ sau khi sinh tại các cơ sở y tế để phát hiện dị tật thường không nhận được sự ủng hộ của các bà mẹ. Bởi họ cho rằng, trẻ mới sinh còn non yếu, nếu bị lấy máu sẽ rất đau. Thậm chí, khi được tuyên truyền, tư vấn rồi nhưng họ vẫn quên thời điểm sàng lọc trước sinh...
Thiết nghĩ để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình. Đồng thời, cần tăng cường xã hội hóa dịch vụ này giúp cho nhiều trẻ được sàng lọc hơn, từ đó mới có thể phát hiện sớm bệnh và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác