Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng thực hiện công tác bảo đảm hậu cần và cung cấp các phương tiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm, xác định việc bảo đảm hậu cần cung cấp các phương tiện tránh thai (PTTT) giữ vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng công tác dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngành dân số các huyện, thị xã, thành phố chú trọng truyền thông và cung cấp các PTTT cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, các hoạt động tiếp thị xã hội hóa các PTTT được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.
Hiện nay, cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa, giảm các BPTT lâm sàng và tăng các BPTT phi lâm sàng ngắn hạn, dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Dịch vụ KHHGĐ được phân tuyến kỹ thuật cho các cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế trong tỉnh đã tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tư vấn cho người làm dịch vụ KHHGĐ, tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ KHHGĐ; triển khai đợt cao điểm truyền thông và cung cấp dịch vụ dân số, SKSS/KHHGĐ, góp phần thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 34.990/43.050 cặp vợ chồng áp dụng các BPTT hiện đại.
Trước thực trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 11/3/2021, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có Công văn số 101/TCDS-TTGD về việc định hướng thực hiện truyền thông, giáo dục về công tác dân số năm 2021.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động DS-KHHGĐ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời lồng ghép với nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, ban, ngành, đoàn thể; tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 gắn với sơ kết công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm và tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên tại cơ sở thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, để bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ được thuận lợi trong mùa dịch Covid-19, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các xã thuộc địa bàn có mức sinh cao, địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đẩy mạnh.
Trong đợt 1 năm 2021 đã có 58 xã thực hiện, kết quả: gói dịch vụ KHHGĐ, đặt vòng tránh thai là 1.285 ca, cấy thuốc tránh thai 6 ca, tiêm thuốc tránh thai 231 ca; gói phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh dục có 2.742 phụ nữ được khám viêm nhiễm đường sinh dục, soi tươi 662 ca...
Ngoài những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: quy mô dân số lớn; tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa ổn định; chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; biến động dân số cơ học hàng năm lớn; tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng tăng…
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số gặp không ít khó khăn như: chương trình mục tiêu y tế-dân số đã bị cắt, kinh phí địa phương quá hạn hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình triển khai các hoạt động và thực hiện chỉ tiêu về DS-KHHGĐ. Tại địa phương, việc triển các hoạt động nâng cao chất lượng dân số hầu hết chưa thực hiện được, chủ yếu lồng ghép với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện. Cùng với đó, chế tài xử lý vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chưa nghiêm, chưa đủ mạnh...
Theo ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, để bảo đảm hậu cần và dịch vụ KHHGĐ hiệu quả trong mùa dịch Covid-19 cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Dân số đến mọi người dân; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi về DS-KHHGĐ của các nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tiếp tục triển khai các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển…
Có thể nói, việc tăng cường bảo đảm hậu cần cung cấp các phương tiện KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không chỉ góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, thói quen từ thụ động sang chủ động của người dân trong sử dụng các PTTT mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, để bảo đảm hậu cần và dịch vụ KHHGĐ hiệu quả trong mùa dịch Covid-19, cần tập trung triển khai thực hiện tốt hơn các mô hình "Bảo đảm hậu cần và đẩy mạnh tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai", "Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân", "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh", "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa", "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển"... Cụ thể, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và cung cấp các phương tiện tránh thai miễn phí cho 8 huyện, thị xã, thành phố như: 2.150 vòng TCU 380A, 500 lọ thuốc tiêm (Petogen-Fresenius), 24.800 vĩ thuốc uống tránh thai các loại, 157 que thuốc cấy tránh thai... |