23/12/2021 04:27
Trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt với những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Đất nước.
Lô gô công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình
DS-KHHGĐ đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và tổ chức xã hội. Cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gần 60 năm qua, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam là một chặng đường đầy cam go, thử thách và những nỗ lực phi thường, với những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ.
Giai đoạn 1961-1975
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, mặc dù trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, vừa phải song song tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược trọng đại xây dựng CNXH ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam nhưng công tác DS-KHHGĐ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với việc ban hành Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961 Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Theo đó cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch chính thức được phát động với mục tiêu “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo việc sinh đẻ của nhân dân ta cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.
Ban chỉ đạo hướng dẫn SĐKH được thành lập từ Trung ương đến cơ sở. Ở Trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, cơ quan thường trực là Bộ Y tế và các uỷ viên là Lãnh đạo một số Bộ, ngành, đoàn thể liên quan.
Đến năm 1970, nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động SĐKH, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em (BVBMTE) được thành lập ở cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Ở Trung ương, Uỷ ban BVBMTE là cơ quan thuộc Chính phủ, do Bộ Y tế là cơ quan thường trực. Các đội SĐKH, BVBMTE được hình thành, thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tránh thai lâm sàng, chủ yếu là đặt dụng cụ tử cung.
Năm 1974, Ủy ban BVBMTE giải thể, công tác SĐKH được bàn giao về Bộ Y tế. Thời điểm này, tuyến tỉnh và huyện có các đội SĐKH có nhiệm vụ chủ yếu là vận động thực hiện SĐKH, cung cấp dịch vụ đặt vòng tránh thai và nạo phá thai.
Kết quả: Cuộc vận động SĐKH cũng đã đạt được những thành công nhất định, người dân đã bắt đầu có ý thức về vấn đề dân số và chấp nhận sinh đẻ có kế hoạch. Tỷ lệ tăng dân số đã giảm từ 3,8% (năm 1960) xuống còn 2,4% (năm 1975); tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 6,3 con/phụ nữ (năm 1960) xuống còn 5,25 con/phụ nữ (năm 1975). Tuy nhiên do mức tăng dân số trong thời kỳ này rất cao, trên 3%/năm nên đến 1975, dân số Việt Nam đã đạt 47,6 triệu người.
Giai đoạn 1976-1990
Sau khi đất nước thống nhất, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh trên phạm vi cả nước do ngành Y tế chủ trì. Nhận thức rõ tầm quan trọng cùng với sự khó khăn, phức tạp của công tác này, nhiều đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyễn Giáp, Võ Văn Kiệt từng giữ cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và và Sinh đẻ kế , Ủy ban Quốc gia Dân số DS-KHHGĐ, thường xuyên trực tiếp chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ.
Chính sách SĐKH là khuyến khích các cặp vợ chồng hạn chế sinh đẻ và chỉ nên có từ một đến hai con, và dừng lại ở mức hai con, trừ một số trường hợp đặc biệt như dân tộc miền núi, tái hôn và con bị dị tật... Ngoài ra chính sách SĐKH còn gắn liền với việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tổ chức tốt các dịch vụ y tế cho nhân dân cộng với việc hướng dẫn các BPTT cho các cặp vợ chồng trong diện đối tượng sinh đẻ theo kế hoạch
Năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 58-HĐBT ngày 11/4/1984 về việc thành lập Ủy ban quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch. Uỷ ban do một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là Chủ tịch Uỷ ban, Bộ trưởng Bộ Y tế là Phó Chủ tịch thường trực, các Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Thứ trưởng Bộ Y tế là Tổng Thư ký; lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể là uỷ viên. Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm toàn bộ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp dụng cụ, thuốc men và đào tạo, cung cấp cán bộ chuyên môn cho các địa phương. Cơ quan chuyên trách của Ủy ban là một Ban thư ký thường trực nằm trong Bộ Y tế.
Ngày 06/02/1985, Ủy ban quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch đổi tên thành Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Ở cấp tỉnh/TP và đặc khu trực thuộc Trung ương gọi là Ủy ban DS-KHHGĐ. Ở các quận/huyện, xã/phường và các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, bệnh viện, trường học, các đơn vị vũ trang,... gọi là Ban vận động KHHGĐ.
Kết quả: Tỷ lệ sinh giảm từ 33,2‰ năm 1975 xuống còn 31‰ năm 1985, và 30,1‰ theo tổng điều tra dân số năm 1989. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,25 con năm 1975 xuống còn 3,95 con năm 1985 và 3,8 con năm 1989. Tỷ lệ chết gần như không giảm là 7,5‰ năm 1975 và 7,3‰ năm 1989. Số dân từ tăng từ 47,64 triệu năm 1975 lên 67,24 triệu người năm 1991, gấp 1,41 lần so với số dân năm 1975.
Giai đoạn 1991-2000
Năm 1991 trở thành năm có tổ chức bộ máy chuyên trách đầu tiên trong lịch sử công tác DS-KHHGĐ. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm hoạt động, Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã trở thành một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ (Nghị định 193-HĐBT ngày 19/06/1991 thành lập Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ); hệ thống Uỷ ban DS-KHHGĐ cấp tỉnh và huyện với tư cách là một một cơ quan chuyên trách được thành lập; cấp xã có Ban DS-KHHGĐ và có cán bộ chuyên trách; mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại thôn, bản được hình thành và phát triển. Với phương thức hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai.
Tổ chwcsf bộ máy được xây dựng trên cơ sở mô hinihf đảm bảo huy động các lực lượng xã hội tham gia chương trình DS-KHHGĐ nhưng tăng cường mạnh hơn bộ phận chuyên trách để giúp Ủy ban có tính chất liên ngành chỉ đạo, điều phối các lực lượng tham gia công tác DS-KHHGĐ. Ủy ban là cơ quan độc lập trực thuộc Hội đồng bộ trưởng với sự tham gia rộng lớn của các bộ, ngành và các đoàn thể quần chúng, có một phó Chủ tịch chuyên trách, được bố trí thành các Ban chuyên môn.
Ở các tỉnh/TP, đặc khu trực thuộc Trung ương, thành lập Ủy ban DS-KHHGĐ trực thuộc UBND do phó Chủ tịch thường trực UBND kiêm Chủ tịch. Một số tỉnh cũng bố trí Phó Chủ tịch chuyên trách và tăng thêm cán bộ.
Ở cấp huyện, quận và tương đương thành lập Ban DS-KHHGĐ trực thuộc UBND do Phó chủ tịch phụ trách, có cán bộ chuyên trách giúp việc từ 1 đến 2 người. Ở cấp xã/phường, công tác DS-KHHGĐ là trách nhiệm của UBND, do một Phó chủ tịch phụ trách và sử dụng các bộ phận chuyên môn giúp việc.
Kết quả: Những kết quả của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn này vượt các mục tiêu đề ra. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,86% (năm 1991) xuống còn 1,36% (năm 2000). Tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ 3,74 con (1/4/1992) xuống 2,28 con (1/4/2000). Quy mô dân số tăng từ 67,24 triệu người năm 1991 lên 77,64 triệu người năm 2000, thấp hơn 4,36 triệu người so với mục tiêu đề ra là khoảng 82 triệu người năm 2000. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã cơ bản được kiềm chế. Ghi nhận những kết quả đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Việt Nam được nhận giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc năm 1999.
Giai đoạn từ năm 2001 - nay
Trong giai đoạn này, tổ chức bộ máy của ngành Dân số có nhiều thay đổi:
Năm 2002, sáp nhập Uỷ ban DS-KHHGĐ với Uỷ ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Năm 2007, giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chức năng quản lý Nhà nước về DS-KHHGD được giao về bộ Y tế.
Năm 2008, Tổng cục Dân số-KHHGĐ được thành lập để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý Nhà nước về lĩnh vực DS-KHHGĐ bao gồm lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; chỉ đạo các hoạt động chuyên môn,nghiệ vụ về DS-KHHGĐ trong phạm vi cả nước(Quyết định 18/2008/QĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế).
Đây là giai đoạn quan trọng với những thay đổi nhân khẩu học. Việt Nam đạt mức sinh thay thế (2006) và duy trì vững chắc cho đến nay, Việt Nam đạt dư lợi nhân khẩu học (2007) và cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số (2011).
Kết quả: Năm 2019, Dân số Việt Nam là 96.208.984 người. Với kết quả này, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonexia và Philipin). Sau 10 năm kể từ 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm). Năm nay là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế; tỷ lệ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm; tỷ suất chết trẻ em, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên…
Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã đạt được những thành tựu, kết quả to lớn. Từ năm 1961 đến 2019, dân số Việt Nam tăng gấp hơn ba lần (3,185 lần) từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu, thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ 6,3 con xuống 1,99 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%. Tuổi thọ bình quân khá cao, đạt 73,5 tuổi năm 2018. Mức sinh giảm sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Công tác DS-KHHGĐ đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, tăng khoảng 2% mỗi năm. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới...đóng góp cho sự phát triển bền của đất nước. Việt Nam là một trong những nước được thế giới đánh giá cao về xoá đói giảm nghèo, trong đó có đóng góp to lớn của công tác DS-KHHGĐ.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, công tác DS-KHHGĐ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tỷ số giới tính khi sinh đang tăng nhanh, nếu không có giải pháp hữu hiệu, mất cân bằng giới tính sẽ để lại những hệ lụy nặng nề về trật tự, an ninh xã hội. Cơ cấu dân số đang chuyển dịch sang giai đoạn “già hóa dân số”. Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng giống nòi mới bắt đầu được thử nghiệm trong vài năm gần đây. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới suy thoái giống nòi của một số dân tộc ít người đang là những vấn đề hết sức đáng quan tâm.
Danh sách người đứng đầu ngành Dân số từ 1961 đến nay
Giai đoạn
|
Chức danh
|
Họ và tên
|
1961-1975
|
Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch
|
Ông Phạm Văn Đồng
|
1984-1987
|
Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch
|
Ông Võ Nguyên Giáp
|
1987-1992
|
Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Dân số-KHHGĐ
|
Ông Võ Văn Kiệt
|
1992-1997
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia Dân số-KHHGĐ
|
Ông Mai Kỷ
|
1997-2002
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia Dân số-KHHGĐ
|
Bà Trần Thị Trung Chiến
|
2002-2007
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em
|
Bà Lê Thị Thu
|
2007-2009
|
Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ
|
Ông Nguyễn Bá Thủy
|
2009-2014
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ
|
Ông Dương Quốc Trọng
|
2014-2018
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ
|
Ông Nguyễn Văn Tân
|
2018- nay
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-KHHGĐ
|
Ông Nguyễn Doãn Tú
|
Nguồn: gopfp.gov.vn/
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác