29/09/2021 10:50
Ở tỉnh Đắk Lắk, bằng những giải pháp đồng bộ và hợp lý, hàng năm công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, đại bộ phận dân cư tập trung sinh sống ở nông thôn, việc gia tăng dân số ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa đang là vấn đề cần được quan tâm.
Tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra ở vùng sâu.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em chung sống. Tỷ lệ dân số sinh sống ở vùng nông thôn chiếm hơn 70%. Vấn đề sinh con thứ 3, thứ 4, thậm chí nhiều hơn vẫn còn xảy ra thường xuyên, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh tổng số trẻ sinh ra 32.654 trẻ, trong đó con thứ 3 trở lên là 4.281 trẻ. Phụ nữ nông thôn không có nhiều cơ hội để học tập nên họ thường kết hôn sớm và sinh con sớm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dân số tại các vùng nông thôn tăng cao. Trước tiên là do nhiều cặp vợ chồng không hề có ý thức về việc phải sinh con như thế nào mà lại tuân theo phong tục tập quán, con cái là của trời cho; sinh đông cho vui cửa, vui nhà. Mặt khác nhiều gia đình vẫn còn duy trì hệ luỵ của suy nghĩ trọng nam khinh nữ hoặc trọng nữ khinh nam. Chính tư tưởng còn mang nặng hủ tục này đã đẩy gánh nặng sinh đẻ lên vai người phụ nữ.
Hiện nay, Đắk Lắk vẫn là tỉnh nông nghiệp có đến 70% dân số sống ở vùng nông thôn nên vẫn còn ý nghĩ đẻ con nhiều để thêm nguồn lao động phụ giúp gia đình. Một nguyên nhân khác không kém quan trọng đó là hệ thống các cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các vùng nông thôn còn rất hạn chế, cơ sở vật chất thì nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo các nhân viên kế hoạch hoá gia đình, nhiều người dân còn không biết các biện pháp tránh thai là gì, khi được tuyên truyền và phát cho thì họ đem về cất đó chứ không biết cách sử dụng thậm chí nhiều người biết sử dụng thì lại ngại không muốn dùng. Song song với đó còn nhiều cặp vợ chồng rất khó khăn trong việc tiếp cận tới các nguồn thông tin về lợi ích của gia đình ít con và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình...nên nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Chính vì vậy khiến cho công tác truyền thông, vận động thực hiện các chính sách về Dân số-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ dân số vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Để góp phần thúc đẩy hoạt động tuyên truyền thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ ở vùng nông thôn, thời gian qua ngành Y tế thường xuyên quan tâm và xem là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động hàng năm. Bên cạnh đó, đã có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Nông dân, Ban tự quản...đồng thời, lồng ghép chỉ tiêu của công tác dân số vào hương ước, quy ước của thôn, buôn....Tuy vậy, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tình trạng sinh đông con vẫn xảy ra thường xuyên.
Để nâng cao nhận thức cho người dân khu vực nông thôn, nhất là sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, đội ngũ làm công tác Dân số, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể cũng như những người có uy tín trong cộng đồng trong việc truyền thông chuyển đổi hành vi về kế hoạch hóa gia đình, từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác