30/09/2021 10:55
Trong thời gian qua ở tỉnh Đắk Lắk, các hoạt động truyền thông về dân số ở tỉnh Đắk Lắk luôn được tăng cường với phương châm “đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức”. Nhờ vậy, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành vi của người dân, nhất là các cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Họp nhóm tư vấn kế hoạch hóa gia đình ở vùng sâu.
Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và ban tự quản, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, đội ngũ làm công tác y tế, dân số thường xuyên tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới; trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Bên cạnh đó, còn kết hợp rà soát địa bàn, vận động các cặp vợ chồng sinh trong độ tuổi sinh đẻ lựa chọn một biện pháp tránh thai hiện đại, không sinh con thứ 3...
Một thuận lợi trong công tác Dân số-KHHGĐ là ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng chỉ đạo việc tăng cường nói triển khai các hoạt động truyền thông. Bên cạnh truyền thông, vận động về kế hoạch hóa gia đình; nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã được tỉnh Đắk Lắk triển khai như: Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Sàng lọc trước sinh và sơ sinh...
Cán bộ dân số tư vấn cho người dân về các biện pháp tránh thai hiện đại.
Hàng năm, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đều phối hợp tốt với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, phân phối phương tiện tránh thai. Đồng thời, hình thành được hệ thống cung cấp các phương tiện tránh thai phi lâm sàng do các cộng tác viên dân số chịu trách nhiệm và hệ thống các phương tiện tránh thai lâm sàng do Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế thực hiện.
Trong nhiều năm qua, nhờ làm tốt công tác truyền thông nên ý thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk về Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỷ suất sinh thô giảm xuống còn khoảng 17 phần nghìn, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,19 phần trăm. Trong khi đó, đã có gần 74% cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai...Mô hình mỗi cặp vợ chồng sinh hai người con được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững.
Thực tế ở Đắk Lắk cho thấy, với sự phát triển của kinh tế-xã hội đòi hỏi chất lượng dân số phải được nâng lên. Chính vì vậy, công tác truyền thông dân số trong tình hình mới cần tiếp tục thực hiện song song giữa tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình với truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh...để từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác