29/10/2021 11:05
Thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những năm gần đây, Trung tâm Y tế huyện Lắk đã quan tâm đầu tư các nguồn lực về con người, kỹ thuật và trang thiết bị...Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, từng bước nâng cao ý thức và hành vi của người dân nhằm cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ y tế tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai giúp phát hiện sớm các bệnh down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim...Còn quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra, để phát hiện các bệnh: Thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh…
Kể từ năm 2015, Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được nhân rộng triển khai ở tất cả các địa phương của tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, người dân ở thành thị cũng như nông thôn đều có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về sàng lọc.Các hoạt động truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh được Trung tâm Y tế huyện Lắk triển khai đồng bộ, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức. Trung tâm Y tế huyện đã cử cán bộ phụ trách về sàng lọc trước sinh và sơ sinh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khi cấp trên tổ chức. Đồng thời, hàng năm đã tập huấn cho đội ngũ viên chức dân số tuyến xã, Cộng tác viên dân số thôn, buôn về kỹ năng tư vấn, vận động và truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Bên cạnh đó, còn kết hợp công tác tuyên truyền trực quan cũng treo băng rôn, cờ nheo; xây dựng panô...
Còn tại cơ sở, Ban chỉ đạo công tác dân số xã, thị trấn đã phối hợp với bộ phận văn hóa tuyên truyền trên loa phát thanh về ý ý và tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đội ngũ Viên chức và Cộng tác viên dân số thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt đối tượng, chú trọng cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai để tổ chức các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm và cung cấp tờ rơi. Đồng thời, đến tận hộ gia đình để vận động đối tượng nâng cao ý thức và tự giác tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Mỗi năm ở địa phương này có hàng trăm đối tượng được sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Niềm vui của những gia đình có con được sàng lọc sơ sinh.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên nhiều phụ nữ ở nông thôn hay vùng dân tộc thiểu số ở huyện Lắk đều đã hiểu được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh là nhằm phát hiện và can thiệp sớm những trường hợp mắc bệnh, tật bẩm sinh. Vì vậy, trong quá trình mang thai, họ đã đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ và thực hiện sàng lọc trước sinh theo hướng dẫn của bác sỹ. Đồng thời, lựa chọn địa điểm sinh phù hợp để thực hiện sàng lọc sơ sinh cho con của mình. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Y tế huyện Lắk, từ năm 2018 đến nay có gần 2.500 ca sàng lọc trước sinh và 1.600 ca sàng lọc sơ sinh, đối tượng tham gia sàng lọc năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở huyện Lắk còn gặp một số khó khăn do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức người dân còn hạn chế, vẫn còn có thói quen sinh con sau 1 ngày là họ về nhà, trong khi đó, thời gian để thực hiện sàng lọc sơ sinh theo quy định là từ “24 giờ đến 48 giờ sau khi sinh”. Bên cạnh đó, thiết bị máy móc còn hạn chế, nhân lực thực hiện dịch vụ sàng lọc còn còn thiếu...Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự quan tâm của chính quyền và các ngành, đoàn thể ở huyện Lắk trong việc đầu tư các nguồn lực về con người, máy móc và đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
Dương Thị Liên
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác