20/12/2021 11:31
Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của mỗi địa phương nói riêng. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm và coi dân số là động lực, là mục tiêu của phát triển; những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Nhận thức được tác động của gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng tới phát triển kinh tế- xã hội, ngay từ năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, mặc dù trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn và theo đó cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch chính thức được phát động. Tính nhân văn của quyết định đã được thể hiện rõ nét, bằng những lời lẽ hết sức thuyết phục: Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp. Đây là nền tảng là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của công tác Dân số- KHHGĐ ở Việt Nam.
Cung cấp tờ rơi về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.
Tại tỉnh Đắk Lắk, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cũng trải qua những chặng đường đầy thăng trầm nhưng cũng thật tự hào. Đắk Lắk là một tỉnh ở trung tâm khu vực Tây Nguyên. Năm 1975, dân số toàn tỉnh chỉ khoảng 321 nghìn người. Đến khi chia tách tỉnh năm 2004, dân số đã hơn 1,63 triệu người. Giai đoạn 1991 đến 2000, ngành dân số tỉnh ta có sự chuyển biến toàn diện. Thực hiện Nghị định số 42/CP ngày 21-6-1993 của Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định về kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Dân số-KHHGĐ của tỉnh, các tổ chức được hình thành từ tỉnh đến huyện, xã. Trong giai đoạn này với mô hình tổ chức mới từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã phát huy được sức mạnh liên ngành và huy động được các nguồn lực từ các cấp, các ngành. Giai đoạn từ 2001-2008 đổi tên thành Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em; từ 2008 đến nay với tên gọi là Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý Nhà nước về công tác dân số, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về Dân số-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Với chức năng trên trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; công tác Dân số-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Cụ thể, theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1,87 triệu người (Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 0,75%, giảm mạnh so với 10 năm trước); Mật độ dân số là 143,71 người/km2; Tổng tỷ suất sinh là 2,37 con/phụ nữ; Về Chất lượng dân số: Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện, tuổi thọ, trình độ học vấn được nâng lên; hàng năm có hàng chục nghìn bà mẹ mang thai và trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh. tuổi thọ trung bình là 70,6 tuổi..
Thực tế ở tỉnh Đắk Lắk cho thấy, để đạt được những kết quả về công tác Dân số-KHHGĐ trong suốt thời gian qua không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông giáo dục. Công tác truyền thông được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số trong giai đoạn mới, những vấn đề dân số nổi cộm hiện nay như chất lượng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...Các hoạt động truyền thông được đội ngũ những người làm công tác Dân số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và cơ quan thông tin đại chúng...tiến hành đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tác động quan trọng đối với nhận thức của các tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân số-KHHGĐ còn gặp không ít khó khăn và thách thức: Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, quy mô dân số lớn và thuộc nhóm những tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn vẫn còn xảy ra; tỷ số giới tính khi sinh 110 bé trai/100 bé gái, nếu không được khống chế ngay từ bây giờ thì trong vài thập niên tới sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong việc mất cân đối giữa nam và nữ. Chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp…Đây là bài toán khó, đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết như nhà ở, học hành, khám chữa bệnh, việc làm và cả vấn đề tăng trưởng kinh tế hàng năm. Hiện nay mức phụ cấp cho cộng tác viên dân số chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, không yên tâm công tác…
Tình trạng sinh đông con vẫn còn xảy ra.
Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng được nghị quyết đưa ra là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Có thể hiểu là giải quyết mối quan hệ hai chiều giữa một bên là dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, mức sinh, mức chết, di cư) và bên kia là phát triển (tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, bền vững về môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng). Nghị quyết 21 đã cụ thể hóa các nhóm mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.
Thực hiện Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành chỉ thị, kế hoạch hành động. Những năm gần đây, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã tham mưu cho Sở Y tế trình Ủy Ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược truyền thông dân số đến năm 2030, Đề án Kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh, Tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên....
Bên cạnh công tác tham mưu, Chi cục DS-KHHGĐ Đắk Lắk cũng đang và sẽ triển khai thực hiện các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, tiếp tục giảm sinh nhằm sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình truyền thông, nội dung truyền thông, đội ngũ cán bộ truyền thông được đa dạng hóa để phù hợp với từng nhóm đối tượng, làm cho công tác tuyên truyền có sức hấp dẫn và thuyết phục.
Truyền thông nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Mục tiêu tổng quát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Đắk Lắk thời kỳ đến năm 2030 là: Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trước hết là về con người, giải quyết việc làm, cải thiện cơ bản đời sống Nhân dân…; Đẩy nhanh việc xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, “một cực phát triển” trong tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia…Công tác dân số cũng đặt ra các vấn đề toàn diện hơn, cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Nhưng chúng ta tin rằng, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự vào cuộc trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng của Nhân dân, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ Y tế-Dân số từ tỉnh đến thôn, buôn…, công tác DS-KHHGĐ giai đoạn tới sẽ thực hiện thành công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác