07/03/2017 08:18
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ và các ban ngành liên quan trong việc xây dựng các báo cáo liên quan đến chủ đề rất quan trọng: Phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số và chính sách lao động.
Ngày 20/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp về Đề án Dân số và Phát triển bền vững và Đề án Chính sách Dân số, Lao động và Xã hội.
Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Chiến lược Phát triển …
|
Cuộc họp đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của ngành DS-KHHGĐ. Ảnh: Lương Đảng. |
Đóng góp tích cực của công tác Dân số vào công cuộc xây dựng đất nước
Tại Hội nghị, TS. Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ - đã trình bày tóm tắt báo cáo Dân số và Phát triển bền vững. Tổng cục trưởng đã điểm lại các giai đoạn phát triển, các quan điểm về dân số của Liên hợp quốc, của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Từ Dân số và Kế hoạch hoá gia đình đến Dân số và Sức khoẻ sinh sản và Dân số và Phát triển.
Báo cáo của Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã điểm lại những thành tựu to lớn của công tác dân số Việt Nam, những đóng góp tích cực của công tác này vào công cuộc xây dựng đất nước. Tổng cục trưởng đã tập trung phân tích mối quan hệ biện chứng giữa dân số và phát triển bền vững, trong đó tập trung làm rõ các cặp quan hệ: Dân số với Kinh tế, Dân số với Lao động, Việc làm, Dân số với An ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, Dân số với Y tế, Dân số với Giáo dục và Dân số với Môi trường cũng như những đóng góp hữu hiệu của công tác dân số trong việc giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 mà Liên hợp quốc đã đưa ra. Các nội hàm của dân số, từ quy mô, cơ cấu tới chất lượng và phân bố, quản lý dân cư cũng lần lượt được TS. Dương Quốc Trọng mổ xẻ và nêu bật trong mối tương quan với các vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam.
|
TS. Dương Quốc Trọng trình bày báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Lương Đảng |
Đối mặt thách thức
Tổng cục trưởng cũng nêu lên những thách thức lớn đối với công tác dân số hiện nay. Với quy mô dân số (87,8 triệu người năm 2011) đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, dân số của Việt Nam còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do đang trong đà tăng dân số dù Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2006.
Dự báo đến năm 2050, dân số Việt Nam khoảng 120 triệu người. Đó là những thách thức không nhỏ cho Việt Nam về vấn đề việc làm, nhà ở, an ninh năng lượng, nước sạch, môi trường, giáo dục, chăm sóc y tế… Mức sinh giữa các vùng, miền và đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều khác biệt. Điều đó đòi hỏi các chính sách dân số phù hợp với mỗi vùng, miền, tỉnh, thành phố phải hết sức linh hoạt. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục tăng sẽ gây ra những hệ luỵ nặng nề trong tương lai nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu, quyết liệt ngay bây giờ. Dù đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ, sức bền, kỹ năng quản lý...
Làm thế nào để có thể tận dụng được cơ hội vàng? Đó chính là thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Chất lượng dân số Việt Nam còn nhiều hạn chế; quản lý dân cư, phân bố dân cư còn chưa theo kịp sự biến động của dân số và yêu cầu của sự phát triển xã hội. Phát huy và chăm sóc người cao tuổi, chủ động “già hoá dân số” cũng là những thách thức đối với công tác dân số Việt Nam hiện nay.
Trước những thách thức không nhỏ đó, với những lập luận sắc bén, TS Dương Quốc Trọng đã nêu lên 10 giải pháp, kiến nghị như: Duy trì mức sinh thấp hợp lý và cần có sự linh hoạt về chính sách dân số tại các vùng, miền, tỉnh, thành phố trong cả nước; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ, vị thành niên, thanh niên đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biển, đảo và ven biển; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, ổn định tổ chức bộ máy của ngành dân số…
TS cũng tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngành dân số sẽ thực hiện thành công Chiến lược Dân số- SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng như góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Phiên họp đã nghe báo cáo về chính sách dân số, lao động và xã hội của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Báo cáo một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số với lao động và an sinh xã hội, đặc biệt là khi dân số nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” và “già hoá dân số”.
Các giải pháp ngành Dân số đưa ra được đánh giá cao
Các ý kiến thảo luận của Bộ, ngành đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, số liệu phong phú, trình bày khúc triết của Tổng cục Dân số-KHHGĐ và đồng tình các giải pháp, kiến nghị được nêu ra.
Ông Lê Khánh Tuấn – đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh vai trò quan trọng của quy mô dân số trong xây dựng quy hoạch ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc tiểu học. Đồng ý kiến với ông Tuấn, ông Bùi Tất Thắng-Bộ Kế hoạch Đầu tư, bà Đỗ Thị Thúy Hằng-Bộ Tài chính- nêu ý kiến về quy hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác nước ngoài trong đào tạo, sử dụng lao động… nhằm phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”. Ông Nguyễn Quang Thuấn- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định những tác động của dân số tới các lĩnh vực đời sống xã hội không hẳn khi nào cũng thấy ngay hậu quả ví dụ như vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thì phải 20 năm sau mới thấy, tác động ở giáo dục thì phải sau 6 năm mới thấy…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng các báo cáo liên quan đến chủ đề rất quan trọng: Phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số và chính sách lao động.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ trong việc xây dựng các báo cáo liên quan đến chủ đề rất quan trọng của vấn đề dân số. Ảnh: Lương Đảng |
Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Đề án cấp quốc gia về phát triển dân số, lao động, đào tạo và chính sách xã hội phục vụ phát triển bền vững đến năm 2050. Đề án đặt ra các mục tiêu gắn dân số với phát triển bền vững, trong đó: Đảm bảo các vấn đề về dân số như quy mô, cơ cấu, chất lượng… Bảo đảm tận dụng tốt cơ hội “dân số vàng” nhằm phát triển kinh tế; Bảo đảm phát triển về mặt xã hội, y tế, giáo dục đồng bộ; Bảo đảm phát triển gia đình Việt Nam bền vững; Bảo đảm sự bền vững về tài nguyên, môi trường.
Ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế - khẳng định quyết tâm của Bộ Y tế nói chung, Tổng cục DS-KHHGĐ nói riêng trong việc xây dựng Đề án trình Chính phủ, thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành Dân số.
Phó Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành khẩn trương xây dựng Đề án và trình Chính phủ.
10 giải pháp, kiến nghị tại Báo cáo Dân số và Phát triển bền vững của Tổng cục Dân số-KHHGĐ: 1. Duy trì mức sinh thấp hợp lý 2. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, có chất lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho mọi người dân, cần đặc biệt chú ý vùng sâu, vùng xa, vị thành niên, thanh niên; người di cư. 3. Điều chỉnh chính sách phù hợp với từng vùng, miền, địa phương. 4. Can thiệp mạnh và đồng bộ để đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. 5. Tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”. 6. Chủ động thích ứng với giai đoạn “già hoá dân số” và chuẩn bị cho giai đoạn “dân số già” . 7. Nhà nước cần tăng đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số. 8. Chủ động kiểm soát quá trình di dân và đô thị hoá. 9. Thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp kịp thời chính xác các thông tin số liệu dân số-phát triển cho việc lồng ghép lập kế hoạch phát triển KTXH và môi trường của các ngành, các cấp. 10. Hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp và ổn định tổ chức bộ máy của ngành dân số. |
Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 “Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững; đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”. |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác