Các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật cần thể hiện tư duy phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới ở trong nước và quốc tế, có các biện pháp hiệu quả giải quyết xu hướng già hóa dân số, tận dụng lợi thế của cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Nghị quyết cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung các chính sách, giải pháp bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi, không chồng chéo, tránh khoảng trống pháp lý; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ và chất lượng, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa Đề nghị xây dựng Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV (trình cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 Quốc hội khóa XV).
Trước đó, tại Tờ trình về dự án Luật Dân số của Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp đề xuất khá cụ thể quy định về duy trì mức sinh thay thế và về số con cũng như nhiều nội dung quan trọng khác.
Điều chỉnh mức sinh, duy trì mức sinh thay thế
Dự luật sẽ quy định các biện pháp điều chỉnh mức sinh và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phù hợp với vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Đồng thời, quy định các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về số con, về thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Việc này nhằm tránh hiểu không đúng, hiểu sai trong việc thực hiện, quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân không tách rời nhau trong việc sinh con. Cặp vợ chồng, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ trên cơ sở tự nguyện của cặp vợ chồng, cá nhân.
Mục tiêu của chính sách nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Theo Bộ Y tế, ưu điểm của giải pháp trên là phù hợp với quy định của pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời vẫn thực hiện đúng tinh thần Pháp lệnh Dân số, một mặt không quy định nghĩa vụ pháp lý của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh một hoặc hai con. Mặt khác vẫn đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia cuộc vận động về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Quy định trên còn giúp tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phải đối mặt.
"Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh lên mức sinh thay thế. Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng kết quả rất hạn chế", tờ trình dẫn chứng.
Hơn nữa, khi mức sinh tăng lên, sẽ làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh và cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa dân số, cải thiện chất lượng dân số; giúp tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta.
"Việc bãi bỏ quy định về số con có thể làm mức sinh tăng nhẹ, do vẫn còn khoảng 15% số người được hỏi cho rằng 3 con là lý tưởng", tờ trình của Bộ Y tế nêu thực tế.
Cơ quan này trích dẫn kinh nghiệm ở Trung Quốc cũng cho thấy, năm 2015 bãi bỏ chính sách một con, năm 2016 số trẻ sinh ra tăng gần 8% nhưng đến năm 2017, số trẻ em sinh ra lại giảm so với 2016 hơn 3,5%. Hơn nữa, một tỉ lệ thấp sinh con thứ 3 có thể bù đắp cho các cặp vợ chồng vô sinh đang có xu hướng tăng, những cặp chỉ đẻ 1 con.
Tháng 8/2021, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, theo đó mỗi cặp vợ chồng được sinh con thứ 3, đồng thời quy định các biện pháp hỗ trợ chính sách mới này.
Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý cần thực hiện tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt trước và sau khi ban hành luật, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.
Bắt buộc nam, nữ đi khám sức khỏe trước khi kết hôn
Một trong những chính sách lớn đáng chú ý được đưa ra trong dự án Luật Dân số là khuyến khích phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình phải bắt buộc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh.
Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được hỗ trợ chi phí thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh theo quy định của Chính phủ.
Mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất, nâng dần tỉ lệ thực hiện của các đối tượng sau năm 2030
Ngoài ra, Bộ Y tế còn đề xuất quy định bắt buộc nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi kết hôn thực hiện tư vấn, khám sức khỏe bao gồm những nội dung liên quan đến bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh liên quan đến thụ thai, mang thai, bệnh gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ sơ sinh.
Các đối tượng nam, nữ trước khi kết hôn được hỗ trợ chi phí tư vấn, khám sức khỏe theo quy định của Chính phủ. Việc này làm giảm gánh nặng kinh phí của Nhà nước, gia đình trong việc điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ sinh ra do được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn.