10/10/2023 10:44
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, với dân số khoảng 107.000 người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 42,2%), gồm 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế địa phương đã nỗ lực truyền thông, vận động về dân số-kế hoạch hóa gia đình nhưng trạng tảo hôn, sinh đông con vẫn thường xuyên xảy ra, chất lượng cuộc sống thấp.
Sau khi cưới chồng, chị H’Khiu Byă ở xã Dang Kang đã lần lượt sinh 6 người con. Năm nay người con đầu 22 tuổi, còn người con thứ 6 mới 2 tuổi. Vậy mà vợ chồng chị H’Khiu chưa áp dụng biện pháp tránh thai. Sinh đông và sinh dày nên chị H’Khiu hay đau ốm. Kinh tế thì nghèo nhưng nhân khẩu có thể “giàu lên” theo thời gian. Nơi ở của gia đình này là căn nhà tuềnh toàng, tường được ghép bằng những miếng gỗ tạp, mái tôn cũ kỹ và lộn xộn. Đáng lo ngại hơn là chưa người con nào học hết trung học cơ sở đã phải bỏ học đi làm thuê, làm mướn.
Viên chức dân số xã Dang Kang vận động vợ chồng chị H’Khiu kế hoạch hóa gia đình.
Còn chị H’Phuây Niê cũng ở xã Dang Kang mới 42 tuổi nhưng đã 6 lần sinh con. Hàng ngày, chị H’Phuây chỉ biết quanh quẩn ở nhà chăm con, còn người chồng gồng mình gánh vác kinh tế gia đình. Thu nhập luôn thiếu trước, hụt sau. Nhiều năm nay, gia đình chị H’Phuây vẫn luẩn quẩn trong cái nghèo.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều phụ nữ ở huyện Krông Bông phải mang trên mình gắng nặng sinh đông con và sinh dày. Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện, năm 2022 toàn huyện đến 356 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên (chiếm 21,19% số trẻ được sinh ra); còn 4.579 cặp vợ chồng chưa áp dụng biện pháp tránh thai, trong đó có 1.964 cặp đã sinh 2 con trở lên, nguy cơ vỡ kế hoạch luôn hiện hữu; một điều đáng ngại nữa là có đến 151 trường hợp tảo hôn... Chị Lê Thị Vân – Viên chức dân số xã Dang Kang cho biết: “Hầu hết các gia đình nghèo đều sinh đông con. Chúng tôi cùng cộng tác viên dân số phải đi vận động 2-3 lần người dân mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều người chưa đồng tình, họ cho rằng rằng đông con là nhiều của. Nhiều phụ nữ chỉ biết quanh quẩn ở nhà, ít tham gia sinh hoạt đoàn thể, trẻ em phải nghỉ học sớm…”.
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác Y tế-Dân số. Đồng thời, phối hợp thực hiện tuyên truyền trên Đài truyền thanh-truyền hình huyện, trang thông tin điện tử của đơn vị và mạng xã hội... chú trọng vào các dịp ngày Gia đình Việt Nam, ngày Dân số thế giới, ngày Tránh thai thế giới… Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm tăng cường củng cố, phát triển và nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình; kết hợp với việc triển khai thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ ẻm; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Tại cơ sở, hàng tháng các Trạm Y tế đều tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho người dân qua các buổi tiêm chủng, khám thai; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của ban tự quản, đoàn thể, tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề nâng cao kiến thức và hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.. Bên cạnh đó, Viên chức dân số và Cộng tác viên dân số luôn tích cực đến từng nhà, tư vấn về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phân tích hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…Qua đó từng bước nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của người dân về công tác dân số. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.700 người uống thuốc tránh thai, 457 người sử dụng vòng tránh thai, 12 người đình sản... tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 57,3%.
Họp nhóm tư vấn về các biện pháp tránh thai hiện đại ở Trạm Y tế xã Dang Kang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở huyện Krông Bông hiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023 đã có 313 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên (chiếm 30,36% tổng số trẻ được sinh ra), 62 trường hợp tảo hôn (xã Cư Pui có 43 trường hợp, Hòa Phong có 7 trường hợp...). Huyện Krông Bông hiện có 7 xã đặc biệt khó khăn gồm: Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Phong, Dang Kang, Ea Trul và Yang Reh. Giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp, một số phong tục tập quán lạc hậu về sinh đẻ, cưới hỏi còn tồn tại…
Từ nhiều năm nay, tảo hôn và sinh đông con đã trơt thành những thách thức không hề nhỏ trong công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện Krông Bông. Bởi vậy bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là việc quan tâm đầu tư các nguồn lực để thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miên núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó cần chú trọng thực hiện các chương trình, dự án về công tác Y tế-Dân số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…/.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác