07/03/2017 08:18
Hiện có tới trên 220 triệu phụ nữ tại các nước đang phát triển chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) khiến họ phải đối diện với nguy cơ có thai ngoài ý muốn.
Trong số 80 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong năm 2012, ước tính sẽ có 40 triệu trường hợp phá thai góp phần làm gia tăng tỉ lệ tử vong mẹ do nạo phá thai không an toàn. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tình trạng Dân số thế giới 2012 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế tổ chức chiều 15/11.
|
Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới 2012 khẳng định: KHHGĐ mang lại những lợi ích to lớn cho phụ nữ, gia đình và các cộng đồng trên toàn thế giới. Ảnh: Dương Ngọc |
Gia tăng tỉ lệ tử vong mẹ
Vì một Việt Nam phát triển bền vững “Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đối với công tác DS-SKSS trong đó có KHHGĐ trong những năm qua. Trân trọng cảm ơn Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế đã và đang giúp đỡ Việt Nam thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn công tác DS-SKSS-KHHGĐ. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hưởng ứng của các quý vị trong tương lai vì một nước Việt Nam phát triển bền vững và ngày càng phồn vinh, thịnh vượng”. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế |
Theo Báo cáo, ở các nước phát triển và các nước đang phát triển, tỉ lệ có thai ngoài ý muốn tương đối cao, đặc biệt trong nhóm trẻ vị thành niên, người nghèo và các nhóm dân tộc ít người. Hệ lụy của vấn đề này là có khoảng 19 triệu ca nạo phá thai không an toàn diễn ra hàng năm, trong đó có khoảng 47.000 phụ nữ tử vong và hàng triệu người khác phải gánh chịu các biến chứng...
Cũng theo Báo cáo, nếu các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện có sẵn để cung cấp cho tất cả mọi người ở các quốc gia đang phát triển sẽ giúp các quốc gia này giảm được khoảng 11,3 tỷ USD mỗi năm cho các chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, báo cáo nhận thấy nguồn tài chính dành cho KHHGĐ đã giảm và việc sử dụng các các biện pháp tránh thì hầu như không có gì thay đổi. Năm 2010, nguồn đóng góp từ các quốc gia tài trợ dành cho các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản ở các nước đang phát triển đã giảm đi 500 triệu USD. Trên toàn cầu, tỷ lệ sử dụng các phương tiện tránh thai đã tăng, nhưng chỉ tăng 0,1%/năm trong vài năm vừa qua.
Ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Y tế và kết quả của các cuộc điều tra dân số chỉ ra rằng: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể thông qua việc lồng ghép KHHGĐ vào các dịch vụ chăm sóc y tế nói chung. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm dân số như vị thành niên, thanh niên và những người chưa lập gia đình, người dân di cư, người dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ, nguồn cung cấp và thông tin về KHHGĐ. Chính vì vậy, số ca mang thai ngoài ý muốn vẫn cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn.
Theo phân tích từ Điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS) do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010, nhu cầu KHHGĐ chưa được đáp ứng của Việt Nam là 11,7% - một con số tương đối thấp nếu so sánh với các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực châu Á. Nhu cầu về các phương tiện tránh thai cho thanh niên chưa lập gia đình rất cao: Nhu cầu chưa được đáp ứng của thanh niên trong độ tuổi từ 15-19 là 35,4% và trong lứa tuổi từ 20-24 là 34,6%. Điều này dẫn tới tỷ lệ có thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai không an toàn trong thanh niên, đặc biệt thanh niên chưa kết hôn còn ở mức rất cao.
Chủ động lựa chọn – quyền của con người
Với thông điệp “Chủ động lựa chọn, chứ không phải lựa chọn ngẫu nhiên: Kế hoạch hóa gia đình, quyền và sự phát triển của con người”, Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới 2012 khẳng định: KHHGĐ mang lại những lợi ích to lớn cho phụ nữ, gia đình và các cộng đồng trên toàn thế giới.
Nhờ có KHHGĐ nên mọi người được lựa chọn số con mong muốn và khoảng cách giữa các lần sinh con. Những phụ nữ sử dụng các phương tiện tránh thai thường khỏe mạnh hơn, được học tập tốt hơn, có vị thế cao hơn trong gia đình và cộng đồng và tạo ra sản lượng kinh tế tốt hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Bản thân họ và con cái được sống khỏe mạnh hơn và lâu hơn. Báo cáo ước tính, nếu có thêm 120 triệu phụ nữ được tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, thì số trẻ sơ sinh tử vong trong năm đầu tiên của cuộc đời sẽ giảm đi khoảng 3 triệu. Bà Mandeep K. O'Brien - Quyền Trưởng đại diện UNFPA cho hay, KHHGĐ là một can thiệp y tế mang tính hiệu quả về mặt chi phí góp phần làm giảm 25% tử vong mẹ trên toàn thế giới. KHHGĐ góp phần giảm nghèo, tăng cường sức khỏe, thúc đẩy bình đẳng giới, cho phép vị thành niên hoàn thành việc học tập của mình và tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Với việc đầu tư thêm 4,1 tỷ USD cho các phương tiện tránh thai hiện đại, thế giới có thể tiết kiệm một khoản tiền lên tới 5,7 tỷ USD từ các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo, ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Đảm bảo tiếp cận KHHGĐ là bảo vệ quyền con người. Cần phải thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu của dịch vụ KHHGĐ, cần phải tập trung trước hết tới nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất – phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, thanh niên chưa kết hôn, người di cư và người dân tộc thiểu số".
Thế giới đang tiến đến rất gần thời điểm cần phải đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015, chính vì vậy ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng: Đầu tư vào KHHGĐ tự nguyện là một trong những lựa chọn đầu tư quan trọng nhất mà chúng ta nên thực hiện. Ông cũng kêu gọi chính phủ, cộng đồng quốc tế, các tổ chức xã hội và khối tư nhân cùng chung tay để nâng cao tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe tình dục, sinh sản bao gồm KHHGĐ và coi KHHGĐ tự nguyện như là một ưu tiên của chương trình phát triển.
Hà Anh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác