07/03/2017 08:18
Nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2009, Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống được triển khai ở Đắk Lắk. Sau 3 năm, các hoạt động của Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật hôn nhân gia đình, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống đáng kể.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 1,8 triệu người, sinh sống ở 15 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm 31% dân số. Đắk Lắk là quê hương của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Ê đê, M’nông, Gia rai... trong đó, đông nhất là hai dân tộc Ê đê và M’nông. Ngoài những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp thì ở những dân tộc này, còn tồn tại một số phong tục, quan niệm cưới xin, sinh đẻ lạc hậu như: “Trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”; tảo hôn, kết hôn cận huyết thống…Ông Y’Dhin Dak Căt, Phó chủ tịch UBND xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: nhiều người dân còn quan niệm phải dựng vợ, gả chồng cho con em trong cùng huyết thống để giữ của cải trong nhà.
Kết hôn cận huyết thống là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giống nòi.
Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân số (Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế), ở một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê… thì cứ 100 trường hợp kết hôn thì có 10 trường hợp là kết hôn cận huyết thống. Từ tháng 10 năm 2009, Mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được triển khai tại Đắk Lắk. Theo số liệu điều tra ban đầu của Mô hình ở xã Ea Phê, xã Ea Kênh(huyện Krông Pắk) và xã Đắk Liêng, xã Bông Krang(huyện Lắk), từ năm 2005 đến 2010, có 82 cặp vợ chồng tảo hôn và 36 cặp kết hôn cận huyết thống.
Thực tế y học đã chứng minh: kết hôn cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời. Kết hôn cận huyết thống là một trong những nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe, suy thoái chất lượng giống nòi, gây ra khó khăn về đời sống kinh tế của nhiều gia đình.
Từ khi triển khai mô hình Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, công tác truyền thông được chú trọng. Chi cục Dân số-KHHGĐ Đắk Lắk đã tổ chức treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; cấp phát hơn 14.000 tờ rơi, tờ bướm, áp phích về chăm sóc Sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, sức khỏe sinh sản vị thành niên; cấp bộ truyền thông gồm Tivi, đầu kỹ thuật số cho các xã triển khai Mô hình.
Chú trọng tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt nhóm.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp thành lập 18 nhóm sinh hoạt tại cộng đồng theo từng nhóm đối tượng như: nhóm người có uy tín trong cộng đồng; các bậc cha mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên; đào tạo tập huấn cho 60 cán bộ y tế xã, cán bộ y tế thôn buôn về kỹ năng truyền thông, tư vấn khám và chữa bệnh thông thường, kiến thức theo dõi phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh đẻ.
Sau 3 năm triển khai Mô hình, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã giảm xuống rõ rệt. Theo số liệu điều tra của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Pắk và huyện Lắk, năm 2006, ở 2 địa phương này có 20 cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; đã giảm xuống còn 10 cặp năm 2010, năm 2011 thì không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Tiếng động chị Nguyễn Thị Họa Mi – Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Lúc mới triển khai mô hình thì người dân chưa hiểu được hậu quả của kết hôn cận huyết thống, nhưng đến nay thì họ đã thay đổi ý thức. Đặc biệt, những già làng, trưởng buôn luôn tích cựa tham gia tuyên truyền, khuyên bảo thanh niên trong buôn làng không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.
Vị thành niên, thanh niên là đối tượng chính trong công tác tư vấn
phòng tránh kết hôn cận huyết thống.
Theo Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Công dân các dân tộc được hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện nhưng cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Nhưng vấn đề kết hôn cận huyết thống khó tiếp cận, khó quản lý tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vì người dân ở đây trình độ thấp, họ chưa phân biệt được thế nào là cùng dòng máu trực hệ, hay không phân biệt được mấy đời…mà hầu hết đều sống theo hủ tục từ xa xưa. Gây khó khăn cho công tác tuyên truyền người dân thực hiện đúng Luật hôn nhân và gia đình. Ông Mai Văn Phán – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk cho biết: Kết hôn cận huyết thống là phong tục lâu đời của người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk, vì thế không thể “một sớm, một chiều” thay đổi được phong tục đó, mà cần tăng cường tuyên truyền thường xuyên, lâu dài theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Việc tuyên truyền sâu rộng về tác hại của hôn nhân cận huyết thống ở Đắk Lắk là một việc làm cần thiết. Đây là công việc phức tạp và tế nhị, trách nhiệm tuyên truyền không chỉ riêng ngành Y tế mà đòi hỏi có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc ít người, thực hiện tốt chính sách Dân số-KHHGĐ./.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn như sau: Điều 9. Điều kiện kết hôn Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: 1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên; 2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở; 3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này. Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn 1. Người đang có vợ hoặc có chồng; 2. Người mất năng lực hành vi dân sự; 3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; 4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; 5. Giữa những người cùng giới tính. |
Thúy Khuyền
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác