07/03/2017 08:18
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích hơn 13.000 Km2, quy mô dân số hơn 1.8 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31% dân số. Toàn tỉnh hiện có 584 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Ý thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Vì vậy, công tác truyền thông chuyển đổi hành vi cho người dân là giải pháp được Chi cục Dân số-KHHGĐ đặt lên hàng đầu.
Một trong những “kênh” truyền thông về Dân số-KHHGĐ phát huy hiệu quả cao là hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của 184 Cán bộ chuyên trách và hơn 3.474 Cộng tác viên dân số. Bằng tâm huyết và sự nhiệt tình, đội ngũ này đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số, pháp lệnh dân số sửa đổi. Bên cạnh đó, họ tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng, vận dụng sáng tạo trong công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân; cung cung cấp thông tin với nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình từng vùng, từng đối tượng.
Chị Nguyễn Thị Mị Nương(áo đen) – Cán bộ chuyên trách dân số
xã Quảng Hiệp, huyện CưMgar tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Mị Nương, Cán bộ chuyên trách dân số xã Quảng Hiệp, huyện CưMgar cho biết: để công tác tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa đến với người dân đạt hiệu quả, những người làm cán bộ dân số như chị không những nhiệt tình, bền bỉ, mà còn phải am hiểu về phong tục, tập quán của mỗi dân tộc trên địa bàn.
Vận động sự vào cuộc của toàn xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Dân số-KHHGĐ. Hàng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã ký kết với các ban ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên; vận động sự vào cuộc của các tổ chức, những người có uy tín…phối hợp thực hiện công tác dân số. Từ đó, người dân cũng như các hội viên trong các tổ chức đoàn thể, đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Nam giới với việc thực hiện KHHGĐ”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân” và mô hình tư vấn sức khỏe vị thành niên-thanh niên…Qua đó, hội viên gương mẫu thực hiện và tham gia tuyên truyền, vận động làm chuyển biến hành vi của cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc triển khai Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc Súc khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” đã góp phần quan trọng làm chuyển biến về nhận thức, tự giác thực hiện KHHGĐ của người dân. Ở nhiều thôn, buôn, tổ dân phố, các chỉ tiêu về công tác dân số cũng được đưa vào trong quy ước, hương ước…Thực hiện Kế hoạch hóa gia đình đã trở thành một trong những tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở dân cư” trong bình xét gia đình văn hóa, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa.
Chiến dịch truyền thông dân số góp phần thay đổi ý thức của người dân về
chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.
Bà H’BLắk Niê - Phó chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm: Việc thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số là tiền đề để huyện Cư Kuin thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, vì thế, công tác Dân số-KHHGĐ luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, các hoạt động truyền thông dân số có quy mô như: Chiến dịch truyền thông, mít tinh kỷ niệm ngày dân số Thế giới, ngày dân số Việt Nam…được chú trọng nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức cho nhân dân.
Nhờ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi dưới nhiều hình thức nên nhận thức của xã hội về Dân số-KHHGĐ ngày càng được nâng lên. Hiện nay, Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh hiện đại đạt 72,4%, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên nay chỉ còn 1,27%; hàng năm, mục tiêu giảm sinh luôn đạt so với chỉ tiêu đề ra và đạt từ 0,8%o đến 1%o; Tuổi thọ bình quân 69 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 25%...Những kết quả đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh chỉ còn 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 975 USD/người/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa hơn 70%...
Để công tác Dân số-KHHGĐ đạt được những mục tiêu đề ra trong chiến lược dân số-sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, công tác truyền thông có vai trò quan trọng. Do đó, rất cần sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, và nhân dân cùng đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức, chuyển hành vi. Có như vậy, chất lượng dân số mới được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
Thúy Khuyền
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác