07/03/2017 08:18
ĐỨC TOÀN (THEO FOREIGN POLICY) \r\nNhiều phụ nữ Ấn Độ giữ vị trí cao cấp như tổng thống và thống đốc bang; nền kinh tế mở cửa đang tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, những quan điểm gia trưởng bảo thủ chống lại phụ nữ đã ăn sâu trong xã hội Ấn Độ.
Người dân Ấn Độ thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ cưỡng bức tập thể - Ảnh: Reuters
Cảnh sát ngăn chặn người biểu tình tại thủ đô New Delhi ngày 29-12 - Ảnh: Reuters
Ngày càng nhiều cửa hàng quần áo, quán bar và tập đoàn phương Tây hiện diện tại các thành phố lớn Ấn Độ. Mặc dù GDP đầu người của Ấn Độ năm 2011 chỉ là 3.700 USD, nhưng nước này là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất của thế giới.
Phụ nữ Ấn Độ được đi làm, được quyền lái ôtô và tham gia giao thông. Họ góp mặt ở nhiều lĩnh vực từ kinh doanh đến chính trị, một số người giữ những vị trí quan trọng. Trước tháng 7 năm nay thì Tổng thống Ấn Độ là bà Pratibha Patil. Chủ tịch Hạ viện hiện tại, chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền và ba thống đốc bang của Ấn Độ là phụ nữ.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần bề nổi. Việc nữ sinh ngành y 23 tuổi bị cưỡng bức tập thể hôm 16-12 được coi như giọt nước tràn ly đối với nạn bạo hành và tấn công tình dục phụ nữ Ấn Độ. Phần lớn nạn nhân trong các vụ cưỡng hiếp không trình báo với chính quyền do chịu sức ép từ thủ phạm, cảnh sát hoặc chính gia đình mình.
Hồi tháng 6, Hãng tin Reuters công bố một khảo sát tại 20 nền kinh tế lớn của thế giới cho thấy Ấn Độ là nước mà điều kiện sống của người phụ nữ tồi tệ nhất, vì các nguyên nhân như tảo hôn phổ biến, giết người vì không đáp ứng đủ của hồi môn, nạn bạo hành phụ nữ ở gia đình, phụ nữ bị bóc lột sức lao động...
Quan điểm bảo thủ đặc biệt gay gắt ở vấn đề tình dục. Theo khảo sát của Goolge, Ấn Độ là một trong bảy nước thường xuyên tìm kiếm từ khóa “sex” trên mạng. Nghiên cứu của Hãng Durex cho thấy độ tuổi trung bình thanh niên Ấn Độ quan hệ tình dục lần đầu giảm từ 23 tuổi của năm 2006 xuống còn 19,8 trong năm 2011.
Tuy nhiên tình dục chính là chủ đề cấm kỵ với phần lớn người Ấn Độ.
Thăm dò năm 2011 của tạp chí India Today uy tín tại Ấn Độ cho biết 25% người không phản đối tình dục trước hôn nhân, miễn là việc đó không xảy ra trong gia đình họ!
Xã hội gia trưởng
Đối với đàn ông Ấn Độ, việc “động chân động tay” với phái yếu được xem là chuyện bình thường.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ quốc tế (trụ sở ở Washington D.C, Mỹ) năm 2011 cho biết 25% đàn ông Ấn Độ từng có hành vi bạo lực tình dục, hơn 65% nam giới cho rằng đánh đập phụ nữ là một hình thức dạy dỗ. Để giữ gia đình không tan vỡ thì người phụ nữ chỉ biết cam chịu!
“Tại Ấn Độ vẫn còn phổ biến những quy tắc ứng xử từ thời xưa, nên phụ nữ chỉ được xem là đối tượng để thỏa mãn nhu cầu tình dục” - nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Vibhuti Patel trả lời báo Times of India. Chính tư tưởng này là nguyên nhân lý giải tình trạng cưỡng hiếp ở Ấn Độ.
Không phải lúc nào chính quyền cũng đứng về phía phụ nữ. Theo Cục Dữ liệu tội phạm Ấn Độ, trong năm 2011 ghi nhận hơn 24.000 vụ cưỡng hiếp trên cả nước nhưng tỉ lệ bị kết án chỉ khoảng 25%. Tháng 10-2012, sau khi xảy ra 17 vụ cưỡng hiếp liên tiếp ở bang Haryana (miền bắc Ấn Độ), nữ thống đốc bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee, cho rằng nguyên nhân chính là do nam giới được tự do tiếp xúc phụ nữ. “Giống như ở một khu chợ với các món hàng bày sẵn ra đó” - bà nói.
Một quan chức bang Haryana cho rằng đến 90% các vụ quấy rối tình dục có sự đồng thuận của người phụ nữ. Trong khi đó, hội đồng lão thành tại một ngôi làng ở bang Haryana đề xuất hạ độ tuổi được lấy chồng của phụ nữ từ 18 xuống còn 15 tuổi để giảm những vụ cưỡng hiếp. Điều này khiến 4 cơ quan Liên Hiệp Quốc cùng gửi thư đến Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ bày tỏ sự lo ngại. Trên thực tế, hơn 40% các vụ tảo hôn trên thế giới diễn ra tại Ấn Độ.
Hai tuần gần đây, người dân Ấn Độ đang biểu tình rầm rộ yêu cầu chính phủ phải siết chặt luật trừng phạt những vụ cưỡng hiếp và bạo hành phụ nữ, thúc giục những biện pháp bảo vệ an toàn và an ninh hơn cho nữ giới.
Tuy nhiên, Rashmee Roshan Lall - cựu biên tập viên báo Sunday Times of India - nhận định Ấn Độ là một xã hội nặng tính gia trưởng bất chấp những thay đổi hội nhập trong thế kỷ 21, và đấu tranh vì quyền phụ nữ cần một cuộc cách mạng tình dục ở Ấn Độ - điều khó xảy ra một sớm một chiều.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác