Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân da cam vượt qua đói nghèo, vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức, trong đó có dự án phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và hỗ trợ phát triển kinh tế.
|
Tặng dụng cụ trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam. |
Gia đình chị H’Duyên Bdap ở buôn Cuah A, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) có 3 đứa con thì có đến 2 đứa bị dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Cậu con đầu của anh chị là Y Sép Bdap năm nay 14 tuổi bị liệt toàn thân, trí tuệ kém phát triển; đứa thứ hai là Y Kiêu Bdap 3 tuổi thì bị vẹo bàn chân trái. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, bé Y Kiêu đã được phẫu thuật bàn chân bị vẹo, sau đó lại được tập luyện phục hồi chức năng; đến nay cháu đã có thể đi, chạy, nhảy như bao đứa trẻ khác. Gia đình chị H’Duyên còn được Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam hỗ trợ 1 con bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Bà Aduôn Hiếu, bà ngoại của cháu Y Kiêu xúc động: “Gia đình tôi có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà đã nghèo, lại có 2 cháu bị khuyết tật. Được Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam của Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ phẫu thuật cho Y Kiêu, nay cháu đã đi được; gia đình lại còn được hỗ trợ bò để chăn nuôi. Không biết nói gì thêm, chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và Hội Chữ thập đỏ”. Cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cháu Đặng Ngọc Bảo Châu (12 tuổi), con gái anh Đặng Văn Thủy ở thôn 3, xã Ea Trul (huyện Krông Bông) bị mất một chân, tay phải cũng bị dị tật bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình anh Thủy rất khó khăn, anh bị bệnh u xơ thần kinh, vợ bị mù, con lại bị khuyết tật, kinh tế gia đình chỉ trông vào một sào ruộng. Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã hỗ trợ cháu Bảo Châu phẫu thuật tay phải, nhờ vậy đến nay tay của cháu đã có thể cử động và viết được, chỉ cần tập luyện thường xuyên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ là tay cháu có thể hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ gia đình một con bò để phát triển kinh tế gia đình.
|
Cháu Đặng Ngọc Bảo Châu ở xã Ea Trul (Krông Bông) sau khi được dự án hỗ trợ phẫu thuật. |
Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam năm 2013 được Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai tại hai huyện Krông Bông và Ea Súp. Qua đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho 115 đối tượng bị nghi nhiễm chất độc da cam; trong đó có 12 nạn nhân được phẫu thuật do bị tổn thương hệ vận động như: chân tay khèo, co rút gân, vẹo, tổn thương ở vùng mặt, 33 đối tượng bị bại não hoặc yếu tay chân thì được tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Dự án cũng đã cấp 30 dụng cụ trợ giúp cho các bệnh nhân nặng không có khả năng tự phục vụ để chăm sóc và tập luyện tại nhà. Sau một thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân đã có thể cử động, đi, đứng hoặc thực hiện một số sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiến hành giải ngân hỗ trợ cho 138 hộ mua bò phát triển kinh tế tại huyện Ea Súp và Krông Bông với mức hỗ trợ 5,5 triệu đồng/hộ. Cùng với nguồn hỗ trợ 500.000 đồng/hộ từ quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Bông còn trích từ Quỹ Chữ thập đỏ hỗ trợ thêm mỗi hộ 1,5 triệu đồng để mua bò sinh sản lớn hơn. Đến nay, các hộ được hỗ trợ đều mua bò để chăn nuôi và nhờ được chăm sóc chu đáo, đàn bò phát triển tốt. Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Dự án da cam năm 2013 được Hội triển khai một cách chặt chẽ, từ việc giám sát đối tượng được hưởng lợi đến việc phối hợp với các y, bác sĩ ở bệnh viện để bệnh nhân được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho đến đối ứng thêm kinh phí hỗ trợ các hộ mua bò, phối hợp với các trạm thú y hướng dẫn các hộ về kỹ thuật nuôi bò. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn gặp không ít khó khăn do số lượng nạn nhân da cam nhiều, nhiều bệnh nhân được điều trị quá muộn nên việc phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, hoạt động của dự án cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho các nạn nhân, vẫn cần hơn nữa sự chung tay góp sức của xã hội để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam”.
H’Bát Êban