14/03/2024 05:40
Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể nhưng nặng nề nhất là cục máu đông di chuyển đến não, gây thiếu máu não dẫn đến đột quỵ. Bệnh rung nhĩ thường xuất hiện ở người cao tuổi và không có triệu chứng điển hình nên rất khó phát hiện bệnh. Do vậy, người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên, phát hiện sớm bệnh rung nhĩ đề phòng đột quỵ.
Bác sĩ Trần Xuân Nhã, Khoa Lão - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Rung nhĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đột quỵ, nhồi máu não nếu như bệnh không được kiểm soát và điều trị. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 70 tuổi. Ở giai đoạn tiềm ẩn, bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng hơi nhói ngực thoáng qua, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác nhịp tim nhanh, không đều…nên nhiều người không để ý, chủ quan không đi khám bệnh. Trong số bệnh nhân cao tuổi nhập viện điều trị tại Khoa lão do đột quỵ thì có 50 đến 60% bệnh nhân bị rung nhĩ. Và điều đáng nói những bệnh nhân này hầu như không biết bản thân bị rung nhĩ cho đến khi bị đột quỵ, các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì mới biết.
Đó là trường hợp của ông P.T.C, 85 tuổi ở xã Ea Koăng, huyện Krông Pắc bị đột quỵ đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng liệt một bên, ý thức lơ mơ, tri giác xấu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp CT và điện tim thì các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị rung nhĩ kèm huyết áp cao. Và căn bệnh này cũng khiến ông C bị đột quỵ trong tình trạng rất nặng. “Trước đây, có vài lần bố tôi bảo mệt, khó thở nhưng chỉ thời gian rất ngắn lại hết. Hơn nữa, thời điểm đó do trời nắng nóng nên tôi cứ nghĩ do thời tiết ảnh hưởng đến sức khoẻ, chỉ cần tăng cường vitamin, khoáng chất thì bố sẽ khoẻ lại chứ cũng không nghĩ đến việc đi khám bệnh. Thường ngày thì bố tôi vẫn rất khoẻ, không đau ốm lặt vặt. Vì vậy, khi có chẩn đoán từ bác sĩ, gia đình vô cùng áy náy vì tính chủ quan”, anh P.Q.K, con trai ông C chia sẻ.
|
Người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên, phát hiện sớm bệnh rung nhĩ đề phòng đột quỵ. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Lý giải rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ ở người cao tuổi, bác sĩ Nhã cho hay: Khi bị rung nhĩ, các thớ cơ tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng và dần dần bị giãn ra. Buồng tâm nhĩ giãn ra kết hợp với sự co bóp không đồng đều giữa các vùng cơ tâm nhĩ khác làm cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất không được nhịp nhàng từ đó dễ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ. Khi các cục máu đông trong tâm nhĩ này được tạo ra và trôi theo dòng máu, nó sẽ có nguy cơ gây ra tắc mạch. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới não, động mạch não sẽ bị tắc và gây ra tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Ngoài ra, nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới động mạch vành sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông đi theo dòng máu tới động mạch chi nó sẽ gây tắc động mạch chi…
“Những người mắc các bệnh lý, như bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng bệnh lý viêm, béo phì, rối loạn lipid máu…là các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng bị rung nhĩ. Những người bình thường, không mắc bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ nhưng tỷ lệ thấp. Triệu chứng của rung nhĩ thường đa dạng nhưng lại khó nhận biết. Do vậy để biết bản thân có bị rung nhĩ hay không cần tầm soát hoặc khám bệnh định kỳ. Hoặc khi cảm thấy có những bất thường ở tim, như: tim đập nhanh, hay thở gấp, mệt mỏi…thì nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và làm các xét nghiệm phù hợp. Những người bị rung nhĩ cần tuân thủ các chế độ chăm sóc, uống thuốc, tái khám theo khuyến cáo của bác sĩ và thường xuyên làm các xét nghiệm, kiểm tra để kiểm soát đột quỵ và đánh giá nguy cơ bị đột quỵ. Thông qua chẩn đoán của bác sĩ, người bệnh sẽ nhận thức rõ hơn về bệnh tình của mình và có cách chăm sóc phù hợp. Ngoài ra, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực; tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, kiểm soát các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp… ”, bác sĩ Nhã chia sẻ thêm./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác