15/03/2024 02:43
Bệnh Glôcôm là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù loà không hồi phục. Với hậu quả nặng nề của bệnh Glôcôm, Hiệp hội Glôcôm thế giới và cộng đồng quốc tế phát động Tuần lễ bệnh Glôcôm thế giới năm 2024 bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 16/3 với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh Glôcôm” sẽ tập trung vào việc khuyến khích cộng đồng trên toàn thế giới cùng nhau chiến đấu chống lại mù loà do bệnh Glôcôm gây ra.
Theo bác sĩ Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: hàng năm có hàng trăm người đến Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để được phẫu thuật Glôcôm, đa số bệnh nhân tới thăm khám, phẫu thuật khi tình trạng bệnh đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc thị lực suy giảm trầm trọng. Glôcôm là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, mà kéo dài cả đời, nguy hiểm là bệnh gây suy giảm thị lực và khi đã mất thị lực thì không chữa được. Chính vì thế, việc khám, phát hiện kịp thời sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc điều trị bệnh. Điều này sẽ giúp người bệnh kiểm soát được áp lực nội nhãn và ngăn ngừa sự tổn hại thị giác. Người mắc bệnh Glôcôm cần được theo dõi chặt chẽ từ khi phát hiện bệnh, điều trị cho đến hết quãng đời còn lại, nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
|
Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh Glôcôm và cần được kiểm tra mắt thường xuyên là người trên 40 tuổi. (ảnh: Đình Thi)
|
“Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh Glôcôm và cần được kiểm tra mắt thường xuyên là người trên 40 tuổi; người có bệnh tiểu đường; người có tiền căn gia đình đã mắc bệnh Glôcôm; người bị viễn thị, giác mạc nhỏ; người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt…Nhất là với người lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc cũng khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra steroid (thuốc nhỏ mắt để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc) kéo dài”, bác sĩ Cường cho biết thêm.
Để phòng bệnh Glôcôm người trên 40 tuổi phải thường xuyên đi khám mắt và đo nhãn áp. Những trường hợp đã phẫu thuật Glôcôm cần được theo dõi thường xuyên và khám lại định kỳ để được bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tình trạng giảm thị lực của mắt. Trong gia đình nếu có một người bị bệnh Glôcôm thì phải đo nhãn áp cho tất cả mọi người trên 25 tuổi có cùng huyết thông. Khi có triệu chứng đột nhiên người bệnh thấy đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên kèm theo các triệu chứng: bệnh nhân nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh, đỏ, đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt …người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, đo nhãn áp và xử trí kịp thời, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa./.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác