28/03/2024 02:57
Chó, mèo cào, cắn là tai nạn phổ biến trong cuộc sống hằng ngày nhất là ở vùng nông thôn hay nuôi chó để trông nhà. Tai nạn này có thể gây bệnh dại, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
|
Để chủ động phòng chống bệnh dại, không thả rông chó, mèo, nếu thả ra đường phải đeo rọ mõm. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với virus dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%. Hiện nay, chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho bệnh dại, vì vậy, khi bị chó, mèo, động vật hoang dã cắn, cào, liếm… cần rửa vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục, phải lấy hết dị vật và mô dập nát (nếu có). Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn iod, không được đắp hoặc bôi bất cứ thứ gì khác lên vết thương vì dễ gây nhiễm trùng và không nên khâu kín da. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để loại bỏ bớt vi rút dại, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng uốn ván, huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo, nếu thả ra đường phải đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do dại cao như: Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca. Năm 2024 tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca). |
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác