05/04/2024 06:23
Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa nắng nóng, nhưng những ngày vừa qua, số lượng trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do bệnh lý tiêu hóa gia tăng nhanh, trong đó bệnh nhi bị tiêu chảy nhập viện điều trị với số lượng nhiều.
Chăm con nhập viện điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì bị tiêu chảy, chị H.W.N (trú tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, con chị nay được 6 tháng tuổi. Cách đây gần 2 tuần, ở nhà bé bị tiêu chảy kèm sốt. Khi thấy bé đi cầu nhiều lần, chồng chị lấy lá rừng giã ra cho bé uống nhưng không đỡ, bệnh tình bé ngày càng nặng thêm, đi cầu ngày chục lần. Sau đó, gia đình đưa bé nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lắk, bé được chẩn đoán bị tiêu chảy và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện, đến nay tình trạng bé đã ổn, không còn đi cầu nhiều lần như trước. “Bình thường trong nhà ai đau bụng là hay hái lá uống nên tôi chủ quan, cứ nghĩ cho con uống nước lá sẽ hết tiêu chảy nên không đưa bé đi bệnh viện sớm khiến tình trạng của con nặng hơn. Những ngày con bị tiêu chảy, tôi lo lắng lắm. Rất may cháu được các bác sĩ tại bệnh viện chăm sóc tận tình nên bệnh đã khỏi và sắp được xuất viện về nhà”, chị H.W.N vui mừng nói.
Do gia đình ít người nên khi con trai 4 tuổi bị tiêu chảy phải nhập viện điều trị, chị L.T.K.T (trú tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải đưa cả bé 14 tháng tuổi vào viện chăm anh khiến bé cũng bị lây bệnh tiêu chảy. Nhìn cả 2 con đều mệt mỏi, gần như kiệt sức vì đi cầu quá nhiều lần trong một ngày chị vô cùng đau lòng. Sau khi nhập viện gần 10 ngày, con trai chị đã được xuất viện, còn bé nhỏ mặc dù đã đỡ đi cầu nhưng do chưa khỏi hẳn nên vẫn tiếp tục ở lại điều trị.
Ghi nhận tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho thấy, trẻ nhập viện điều trị do bệnh tiêu chảy có đủ các lứa tuổi, trong đó chiếm nhiều là trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Mỹ - Phó Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trẻ mắc bệnh tiêu hóa đến khám và điều trị tăng lên nhiều kể cả ngoại trú và nội trú. Thống kê đến nay đã có gần 460 bệnh nhi nhập viện điều trị và những ngày gần đây, tại Khoa Nhi tổng hợp, số lượng trẻ nhập viện điều trị vì bệnh lý tiêu chảy trung bình từ 20- 25 trường hợp mỗi ngày. Bác sĩ Mỹ nhận định, với số lượng bệnh nhi bị tiêu chảy ngày một tăng là tiếng chuông cảnh báo để các phụ huynh lưu ý hơn trong việc thực hiện các biện pháp để phòng bệnh lý tiêu chảy ở trẻ, bởi tiêu chảy là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
|
Bác sĩ thăm khám trẻ bị tiêu chảy đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. (ảnh: Đình Thi)
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị tiêu chảy, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, đa số trẻ bị tiêu chảy là do vi khuẩn, vi rút. Thời tiết nắng nóng, thực phẩm bảo quản chưa hợp lý dễ bị ôi, thiu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây bệnh cho trẻ. Đặc biệt, các trường hợp trẻ mắc tiêu chảy do Rota vi rút thường có diễn tiến bệnh nhanh, nặng nếu trẻ không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ mất nước nhiều và có thể gây tử vong. “Tiêu chảy là nguyên nhân đầu tiên gây suy dinh dưỡng ở trẻ. Trẻ bị tiêu chảy càng nhiều, nguy cơ suy dinh dưỡng càng cao. Khi suy dinh dưỡng, sức đề kháng của trẻ giảm dần khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ”, bác sĩ Mỹ cho biết thêm.
Tiêu chảy được chia thành 3 thể lâm sàng. Một là tiêu chảy cấp, ở thể này, trẻ sẽ bị tiêu chảy dưới 14 ngày, trung bình trẻ đi cầu hơn 3 lần/ngày. Hai là tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày và ba là tiêu chảy ra máu. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường có biểu hiện nôn ói, đau bụng, đau từng cơn và tiêu chảy, có thể kèm sốt hoặc không sốt, có thể đi cầu phân nhầy có máu, người mệt, ăn uống kém. Tuy nhiên, bác sĩ Mỹ cũng lưu ý, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như: nôi ói liên tục, ăn uống không được, lừ đừ, mệt, đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, có thể trong vòng 1 giờ đồng hồ đi cầu trên 2-3 lần, trẻ li bì, kích thích…thì cần đưa trẻ nhập viện điều trị, nếu không diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn.
|
Trẻ tiêu chảy được bác sĩ khuyến cáo nên tăng cường cung cấp dinh dưỡng và nước uống để bù nước. (ảnh: Đình Thi)
|
Hiện nay công tác truyền thông được đẩy mạnh, thông tin đến với người dân nhiều hơn, kiến thức của bà mẹ trong việc chăm sóc trẻ cũng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mỹ, vẫn còn không ít phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ và có một số quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy như: trẻ ói, tiêu chảy thì không cho ăn uống để bệnh của trẻ giảm bớt. Điều này vô tình làm cho trẻ bị mất nước nhiều hơn, suy kiệt hơn, diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn hoặc khi trẻ tiêu chảy, nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc cầm ỉa cho trẻ uống. Đây là hành động sai lầm, phản khoa học bởi nôn ói và đi cầu nhiều lần là phản xạ tự vệ của cơ thể để tống các chất độc ra ngoài. Khi dùng chất cầm ỉa, các chất độc sẽ tích tụ, tồn lưu lại trong đường ruột khiến trẻ bị trướng bụng, tắc ruột và khiến bệnh nặng hơn. Do đó, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn uống bình thường theo chế độ dinh dưỡng của từng lứa tuổi, hạn chế những thực phẩm khó tiêu như nhiều dầu mỡ hoặc nhiều chất xơ. Bữa ăn chia nhiều cữ hơn, một lần ăn ít hơn để bé dễ hấp thu; bù nước bằng nước lọc, cháo, sữa, dung dịch bù nước điện giải Oresol… để làm giảm nguy cơ mất nước cho trẻ. Không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở trẻ em. Tốt nhất, khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, phân độ và điều trị kịp thời.
Để phòng tiêu chảy cho trẻ, nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, phụ huynh nên kỹ càng trong vấn đề ăn uống của trẻ, nên ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ. Hiện nay, sử dụng vắc xin là một phần trong chiến lược toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để kiểm soát bệnh tiêu chảy. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ uống các loại vắc xin để phòng tiêu chảy như uống vắc xin ngừa Rotavirus, tả… để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác