26/04/2024 04:55
Trong 4 ngày, từ ngày 23/4- 26/4/2024, Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiến hành điều tra dịch tễ các bệnh giun, sán tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, 215 người từ 2 tuổi trở lên, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn đã được lấy mẫu phân làm xét nghiệm bằng phương pháp Kato-Katz để xác định nhiễm các loại giun, sán đường ruột. Kết quả có 53 người bị nhiễm giun đường ruột (chủ yếu nhiễm giun móc), chiếm tỷ lệ 25,12%. Cán bộ điều tra dịch tễ học đã hướng dẫn những người nhiễm giun đến Trạm Y tế để nhận thuốc về uống, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn và sau đi đi vệ sinh; không ăn thức ăn chưa được nấu chín để phòng bệnh giun sán đường ruột.
|
Cán bộ điều tra dịch tễ học đang làm xét nghiệm điều tra các loại giun, sán đường ruột tại xã Ea Phê.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Tâm, khoa Ký sinh trùng – Côn trùng cho biết: Tỷ lệ nhiễm giun trong cộng đồng vẫn còn cao, chủ yếu lây truyền từ đất. Vì không tác động rõ rệt đến sức khoẻ nên người dân chưa qua tâm. Điều kiện kinh tế khó khăn, ăn uống, sinh hoạt và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, nhất là vùng nông thôn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… là những nguyên nhân chủ yếu khiến người dân nhiễm các loại giun, sán. Nhiễm giun sán đường ruột sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, giun chui ống mật, tắc ruột do giun… Vì vậy, cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tẩy giun định kỳ 06 tháng một lần.
Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác