13/07/2024 07:06
Ngày 12/7, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin. Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để khống chế ổ dịch, không để bệnh lây lan trên địa bàn.
Ổ dịch sởi tại huyện Cư Kuin xảy ra tại xã Ea Bhốk và Drây Bhang với 02 trường hợp dương tính bệnh sởi. Trường hợp mắc bệnh mới nhất là bệnh nhi T.N.U.N (Nữ, SN 2023, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhi, ngày 05/7, bệnh nhi ở nhà xuất hiện các triệu chứng sốt, ho ở nhà có uống thuốc (không nhớ loại thuốc). Đến ngày 10/7, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue ngày 5 có dấu hiệu cảnh báo/Viêm mũi họng/theo dõi Tổn thương gan/theo dõi rối loại đông máu. Đến ngày 12/7 trẻ tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện với chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue ngày 7/ Sởi. Cùng ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với bệnh sởi. Điều tra tiền sử tiêm chủng, trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Trước đó, vào ngày 5/7 cũng đã ghi nhận bệnh nhi N.T.Đ (Nam, 1 tuổi, trú tại xã Đrây Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) - ở đối diện nhà bệnh nhân – mắc sởi và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
|
Cán bộ y tế lấy mẫu huyết thanh trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi mắc sởi tại xã Ea Bhốk để làm xét nghiệm.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh sởi tại xã Đrây Bhăng, Trung tâm đã nhanh chóng phối hợp với CDC và trạm y tế tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh, triển khai xử lý môi trường bằng hoá chất Cloramin B 0,5% nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m với tổng 15 hộ gia đình; Hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ…và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Đồng thời tiến hành điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi – rubella. Kết quả rà soát có 100 trẻ tại xã Đrây Bhăng chưa được tiêm vắc xin sởi, Trung tâm đã nhanh chóng triển khai tiêm cho tất cả các đối tượng này. Riêng trường hợp bệnh nhi thứ 2 ghi nhận mắc sởi tại xã Ea Bhốk, bên cạnh việc nhanh chóng điều tra, giám sát cũng như triển khai các biện pháp phòng bệnh, ngay trong chiều 12/7, Trung tâm đã cùng CDC, Trạm Y tế tiến hành lấy 04 mẫu huyết thanh những trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân xét nhiệm khẳng định chẩn đoán, triển khai xử lý môi trường bằng hoá chất Cloramin B 0,5% nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m với tổng 30 hộ gia đình; Hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ…và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh Sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Đồng thời tiến hành rà soát các đối tượng trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xã Ea Bhốk chưa được tiêm vắc xin sởi, lập kế hoạch, dự trù vắc xin và tổ chức tốt các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này ngay trong tuần tới. Cũng theo bác sĩ Dũng, thời gian qua do tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc khiến không ít trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm, trong đó có vắc xin sởi. Mặc dù Trung tâm đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người dân đưa trẻ đi tiêm bù sau khi có vắc xin nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Điều này khiến cho bệnh sởi dễ lây lan và bùng phát trên địa bàn.
|
Cán bộ y tế điều tra, giám sát tại ổ dịch sởi ở huyện Cư Kuin.
|
Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cả 2 nhi mắc sởi đều nhập viện trong tình trạng nặng, phát ban, thở mệt, khó thở, tím tái, sốt cao liên tục không hạ. Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc sởi, trẻ đã được Bệnh viện điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đến sáng nay, 12/7, bệnh nhi mắc sởi ở xã Đrây Bhăng đã được xuất viện. Riêng bệnh nhi T.N.U.N đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện. Bác sĩ Minh cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (< 3 tuổi). Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não, biến chứng thần kinh, biến chứng mắt - loét giác mạc… Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Khi trẻ mắc bệnh sởi, các triệu chứng của bệnh sẽ khiến phụ huynh dễ nhầm lẫn với bệnh viêm phổi thông thường nên trẻ được phát hiện, nhập viện và điều trị muộn dẫn tới tình trạng bệnh nặng. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của trẻ, bác sĩ Minh khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chích ngừa vắc xin phòng bệnh sởi. Khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sốt, sổ mũi… thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc sởi, phải cho trẻ nhập viện điều trị và cách ly tại Bệnh viện, chăm sóc trẻ mắc bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ theo từng giai đoạn cũng như mức độ nặng của bệnh.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Để chủ động phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.
2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác