30/08/2024 02:31
Sáng 30/8, Sở Y tế Đắk Lắk đã tiến hành họp khẩn bàn phương án công bố dịch Sởi. Đại diện lãnh đạo các đơn vị: Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột tham dự cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu năm 2024 đến ngày 29/8/2924, toàn tỉnh ghi nhận 69 trường hợp mắc Sởi xuất hiện rải rác tại 11 huyện, thị xã, thành phố, không có trường hợp tử vong. Số mắc Sởi tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023. Về tình hình tiêm chủng vắc xin Sởi 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đạt 55,3%, tăng 1,7% so với cùng kỳ 2023; 5/15 huyện, thị xã, thành phố đạt tiến độ tiêm vắc xin Sởi 95%; 8/15 huyện đạt tiến độ tiêm vắc xin Sởi 90%; 2/15 huyện đạt tiến độ tiêm vắc xin Sởi từ 80 đến 90%. Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên. Như vậy, tại tỉnh Đắk Lắk có 26/184 xã, phường có bệnh nhân Sởi chiếm tỷ lệ 14,1%; số huyện có từ 2 xã trở lên có bệnh nhân mắc Sởi là 7/11 huyện, chiếm tỷ lệ 63,3%, đủ các điều kiện để công bố dịch Sởi.
|
Sở Y tế Đắk Lắk đã tiến hành họp khẩn bàn phương án công bố dịch Sởi. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Phát biểu tại cuộc họp, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho rằng công bố dịch Sởi sẽ thuận lợi hơn trong công tác phòng, chống dịch vì sẽ huy động được mọi nguồn lực để tham gia chống dịch. Trước mắt để bệnh Sởi không lây lan diện rộng, hạn chế lây lan trong bệnh viện và không có ca tử vong do Sởi, bác sĩ Nay Phi La đề nghị các đơn vị điều trị và dự phòng kích hoạt ngay công tác phòng chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, giường bệnh, dịch truyền, nhân lực, thuốc, sinh phẩm, hóa chất, sẵn sàng các phương án về cách ly, điều trị trong tình huống có thêm người mắc; giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, không để lan rộng; song song đó cần tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông để người dân nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh; rà soát đối tượng tiêm chủng, tiến hành tiêm bù, tiêm vét, tiêm cho đối tượng nguy cơ cao ngay khi có vắc xin Sởi; đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 2/9, các đơn vị cần bố trí cán bộ trực 24/24…
Trước đó, ngay khi tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ca bệnh Sởi đầu tiên trong năm, ngành Y tế đã tiến hành điều tra ca bệnh, chỉ đạo y tế cơ sở phối hợp chính quyền địa phương tiến hành điều tra yếu tố dịch tễ khu vực xung quanh nhà bệnh nhân; triển khai xử lý môi trường bằng hóa chất Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân bán kính 200m; hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh Sởi; chỉ đạo điều tra rà soát thống kê tất cả đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm phòng bệnh Sởi hoặc Sởi – Rubella, lập dự trù vắc xin và tổ chức các hoạt động tiêm bù tiêm vét cho các đối tượng này.
Sau cuộc họp, Sở Y tế sẽ có văn bản tham mưu xin ý kiến của UBND tỉnh Đắk Lắk để công bố dịch Sởi.
Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác