08/11/2024 04:00
Ngày 11/8, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã tổ chức Hội nghị huy động nguồn lực cho phòng sốt rét và loại trừ sốt rét ở Việt Nam. Tham dự hội nghị có TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, đại diện của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các tỉnh thuộc Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, chương trình phòng, chống sốt rét đã diễn ra và đến nay đang bước vào những giai đoạn hết sức quan trọng. Kết quả của công tác phòng, chống sốt rét ở Việt Nam đang là điểm sáng trong khu vực và Việt Nam đang hướng tới thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030. Các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma…cũng đều đặt mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, tình hình dịch sốt rét đã được khống chế cơ bản, 46 tỉnh, thành phố đã loại trừ sốt rét và hiện nay, dịch sốt rét tập trung vào điểm nóng nhất là tỉnh Khánh Hòa, còn các tỉnh khác chủ yếu là sốt rét ngoại lai. Việt Nam có 100 triệu dân, hiện nay sốt rét chỉ còn trên dưới 400 trường hợp mắc bệnh, hầu hết các tỉnh đã khống chế được bệnh sốt rét, đây là điều rất đáng vui mừng. Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, hội nghị lần này là hội nghị lần thứ 2 được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các tỉnh, thành phố. Do đó, nội dung của hội nghị lần này ngoài việc trao đổi, thảo luận để đánh giá về thực trạng công tác phòng, chống sốt rét, các đại biểu cần chú trọng đến nguồn lực cho công tác phòng, chống sốt rét, những giải pháp, kinh nghiệm nào đang được triển khai tốt và những khó khăn, rào cản khiến công tác phòng, chống sốt rét triển khai chưa hiệu quả. Trong công tác phòng, chống sốt rét, tại sao phải huy động nguồn lực, cơ sở để huy động nguồn lực, cần huy động nguồn lực như thế nào và làm sao để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất. Đối với Việt Nam, nguồn lực số 1 là con người, là hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở, là sự phối hợp liên ngành. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động nguồn lực sẵn có để công tác phòng, chống sốt rét đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, TS. Hoàng Đình Cảnh đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm để phát huy tối đa các nguồn lực, giúp công tác phòng, chống sốt rét của Việt Nam đạt được mục tiêu cao nhất là loại trừ bệnh.
|
TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phát biểu tại hội nghị. (ảnh: Hải Phúc)
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã được TS. Ngô Đức Thắng - Trưởng khoa Dịch tễ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương trình bày về kết quả phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 5 năm 2019-2023 và cập nhật 9 tháng 2024; Tình hình sốt rét trên thế giới; Kế hoạch loại trừ sốt rét ở các nước khu vực Mê Kông. Theo đó, tại Việt Nam trong 10 năm qua số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét giảm dần qua các năm và đã giảm 35 lần (từ 15.752 ca xuống còn 448 ca/năm), đặc biệt giai đoạn 2014-2016 giảm mỗi năm 2 lần và giai đoạn 2019 -2021 giảm mỗi năm trên 3 lần. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 448 ca mắc sốt rét và 9 tháng năm 2024 ghi nhận 315 trường hợp mắc sốt rét. Điều đó cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác phòng chống và kiểm soát sốt rét, dẫn đến giảm mạnh số ca mắc bệnh và tử vong so với các năm trước đó. Trong đó, 46 tỉnh thành trên cả nước đã được công nhận loại trừ sốt rét, mở rộng diện tích vùng không còn nguy cơ lây truyền bệnh. Hệ thống giám sát, chẩn đoán và điều trị sốt rét được củng cố và nâng cao. Nhân lực y tế được đào tạo chuyên sâu về phòng chống sốt rét.
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe về kết quả phòng, chống sốt rét những năm qua và kế hoạch tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030. (ảnh: Hải Phúc)
|
Để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét, kế hoạch chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2021-2025 và thúc đẩy loại trừ sốt rét của Việt Nam đến năm 2030 đã được đưa ra. Cụ thể, đẩy mạnh các hoạt động với các mục tiêu đến năm 2025 sẽ tập trung các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ mắc ký sinh trùng sốt rét còn dưới 0,015/1.000 dân; Tỷ lệ tử vong do sốt rét dưới 0,002/100.000 dân; Không còn ký sinh trùng sốt rét P. falciparum nội địa vào năm 2025 và không để dịch sốt rét xảy ra. Đồng thời thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các tỉnh có sốt rét lưu hành (55 tỉnh 2025); Củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại và sẽ loại trừ sốt rét toàn quốc năm 2030. Với các hoạt động trọng tâm gồm tập trung chẩn đoán, điều trị, phòng chống vector, can thiệp các điểm nóng, các ổ bệnh, tăng cường hệ thống giám sát cũng như đẩy mạnh tuyên truyền và hoàn thiện hồ sơ công nhận loại trừ sốt rét, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ loại trừ sốt rét ra khỏi cộng đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận về huy động đầu tư cho phòng chống sốt rét bền vững các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ - Lâm Đồng trong những năm tới của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Gia Lai cũng đã trình bày các tham luận trong công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn. Thông qua các kết quả đạt được thời gian qua cũng như định hướng và các bài tham luận, tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, đưa ra những chia sẻ xoay quanh các vấn đề trọng tâm về tình hình sốt rét và sự cần thiết của việc huy động nguồn lực để tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Bế mạc hội nghị, TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương nhấn mạnh các nội dung mà các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận, đề xuất trong hội thảo là rất quan trọng, thiết thực. Và để hoàn thành được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, TS. Hoàng Đình Cảnh khẳng định Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, dồn tổng lực để về đích, cần xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách; duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin. Song song đó, tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc, cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp; chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác