11/11/2024 08:09
Ngày 9/11, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2015 đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).
Tham dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và đại diện 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Về phía tỉnh Đắk Lắk, đồng chí H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới và tham dự hội nghị.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai gần 4 năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là chương trình MTQG được xây dựng mới hoàn toàn trên cơ sở tích hợp 118 chính sách dân tộc và triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm đạt được 9 nhóm mục tiêu cụ thể và 24 chỉ tiêu chủ yếu, tập trung hướng tới các “lõi nghèo”, các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn và giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, bức xúc nhất của đồng bào.
|
Toàn cảnh Hội nghị.
|
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định cần phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế và để xuất xây dựng giải pháp bền vững cho sự phát triển của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được triển khai trong giai đoạn II sắp tới. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn II (2026 – 2030), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng địa phương, đổi mới sáng tạo và đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu chính là giảm nghèo nhanh, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập so với bình quân cả nước, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Sự đồng lòng của các cấp chính quyền và cộng đồng là chìa khóa quyết định để chương trình này thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện Chương trình các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên dự kiến là 22.564,237 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 20.529,413 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.707,723 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 327,102 tỷ đồng. Kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi: Nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên cao hơn so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%. Cụ thể, số vốn giải ngân của 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là 12.933,999 tỷ đồng, tương đương 60,6%, trong đó vốn đầu tư phát triển là 8.560,613 tỷ đồng, tương đương 74,3%, vốn sự nghiệp là 4.373,386 tỷ đồng, tương đương 44,5%. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr khẳng định, Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương thực hiện Chương trình nói chung, đặc biệt các tỉnh thuộc địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 16 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông... Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn. Bên cạnh nhóm các chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỉ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu theo kế hoạch như: Tỉ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỉ lệ trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn I cũng như đề xuất những nội dung cụ thể Chương trình giai đoạn II, đặc biệt là việc xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình; đề xuất cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của Chương trình; các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình cho giai đoạn II;…
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra các mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 1/2 bình quân cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xóa bỏ nhà ở tạm và duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 85%… Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển toàn diện đất nước.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác