07/03/2017 10:00
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ với PV Báo GĐ&XH xung quanh việc triển khai nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ vào những ngày đầu năm mới 2012.
"
Chiến dịch truyền thông SKSS/KHHGĐ góp phần làm thay đổi nhận thức cho người dân
Ảnh: Võ Thảo Năm 2012, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, với nhiều thuận lợi và thách thức mới. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác DS-KHHGĐ phải rất nỗ lực, chủ động và sáng tạo mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ với PV Báo GĐ&XH xung quanh việc triển khai nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ vào những ngày đầu năm mới 2012.
Tập trung nâng cao chất lượng dân số
Ngành Dân số đã bước vào năm 2012 này với tâm thế như thế nào, thưa ông?
- Năm 2011, chúng ta đã có dịp tổng kết, nhìn nhận lại nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Ngành DS-KHHGĐ, với nhiều bước đi thăng trầm, với những thuận lợi to lớn nhưng cũng không ít khó khăn thách thức song chúng ta đã vượt qua mọi thử thách và đã đạt được những thành công rực rỡ. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới;
góp phần đạt các Mục tiêu của Hội nghị Dân số và Phát triển (ICPD) của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Chủ tịch nước ta cùng với nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau ký cam kết.
Tiến Sĩ Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ
Đảng và Nhà nước đã ghi nhận và đánh giá rất cao những thành tích và sự đóng góp của Ngành bằng việc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Chúng ta rất vui mừng và vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành DS-KHHGĐ Việt Nam và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Ngành ta.
Với niềm tự hào về truyền thống, với một ý thức trách nhiệm rất cao về những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho trong giai đoạn sắp tới, những người làm công tác DS-KHHGĐ trên cả nước đã sẵn sàng và chủ động bước vào năm 2012 và một giai đoạn mới với một quyết tâm hoàn thành và hoàn thành thật xuất sắc những nhiệm vụ được giao.
Xin ông cho biết cụ thể ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung vào những hoạt động nào?
- Bước vào năm 2012 chúng ta có được những thuận lợi hết sức cơ bản: Có được tinh thần và khí thế của 50 năm truyền thống của Ngành; Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra các chỉ tiêu về dân số đến năm 2015 và 2020; Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản (DS&SKSS) giai đoạn 2011 - 2020. Có thể nói đây là hành lang pháp lý, đây là đường lối, định hướng rất rõ nét cho những người làm công tác dân số trong 10 năm sắp tới.
Với những định hướng trên đây, chúng ta thấy rằng, nội hàm của công tác dân số hiện nay đã khác nhiều so với những giai đoạn trước đây. Nếu như trước đây, công tác DS-KHHGĐ hầu như chỉ nói tới việc giảm sinh thì nay sẽ chuyển hướng bao quát, toàn diện hơn, trên tất cả các lĩnh vực của công tác dân số, đó là: Ưu tiên số một là tập trung nâng cao chất lượng dân số. Ưu tiên thứ hai là cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ưu tiên thứ ba là phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng. Ưu tiên thứ tư là chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và ưu tiên thứ năm là kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh.
Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Ông có thể nói rõ vì sao trước đây, chúng ta coi công tác giảm sinh là mục tiêu số một thì nay trong 5 nội dung ưu tiên nó lại nằm "ẩn" trong nội dung thứ tư?
- Trước đây, do bức bách của quy mô dân số quá lớn, sự gia tăng dân số quá nhanh, trong khi đất nước còn nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mục tiêu giảm sinh cần được đặt lên hàng đầu. Đến năm 2006, nước ta đã đạt được mức sinh thay thế (trung bình trong xã hội, mỗi phụ nữ sinh 2,1 con) và từ đó tới nay luôn ở dưới mức sinh thay thế; đến năm 2011 là 1,99 con. Nếu như dân số đã đạt mức cực đại rồi mà chúng ta lại có mức sinh này thì sẽ rất tốt vì nó sẽ giữ cho chúng ta có một quy mô dân số ổn định và trong tương lai sẽ có một cơ cấu dân số hài hòa, hợp lý.
Tuy nhiên, do giai đoạn trước đây, tỷ lệ gia tăng dân số quá lớn nên dân số nước ta trong giai đoạn tới vẫn cứ tiếp tục gia tăng, và sẽ đạt mức cực đại sau khoảng 30-40 năm nữa. Vì vậy, trong Chiến lược DS&SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta cần duy trì mức sinh thấp hợp lý với chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 tổng tỷ suất sinh là 1,9 con và đến năm 2020 là 1,8 con. Nếu thực hiện thành công các chỉ tiêu này, chúng ta sẽ có một quy mô và cơ cấu dân số hợp lý trong tương lai, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay mức sinh ở các vùng, miền, ở các tỉnh đang rất khác nhau nên chúng ta cần có những giải pháp cụ thể thật linh hoạt cho phù hợp với thực trạng dân số của từng địa phương. Nhu cầu về các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng đầy đủ nên tỷ lệ phá thai do có thai ngoài ý muốn còn khá cao. Hơn nữa, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, cứ 1,5 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ nên nhu cầu về KHHGĐ, về những biện pháp tránh thai trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tăng lên chứ không hề giảm đi.
Ngành dân số sẽ có những giải pháp gì để triển khai tốt các nội dung ưu tiên trên, thưa ông?
- Để thực hiện tốt 5 vấn đề ưu tiên nói trên, chúng ta cần quán triệt thật tốt các quan điểm đường lối của Đảng, triển khai các giải pháp đã được nêu trong Chiến lược DS&SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Về mặt chuyên môn, cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi với việc cung cấp các dịch vụ chủ động, tích cực, có hiệu quả và thuận tiện tới tận người dân.
Về mặt triển khai thực hiện, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; bên cạnh đó, cần củng cố, kiện toàn bộ máy chuyên trách làm công tác dân số từ Trung ương tới cơ sở với một đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng cao trình độ, phẩm chất có đủ "tâm" và đủ "tầm" để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một vấn đề không thể nào quên, đó là phải có đủ nguồn lực để triển khai thực hiện công tác dân số, trước hết từ ngân sách nhà nước (kể cả Trung ương và địa phương), huy động sự đóng góp của người dân và vận động sự tài trợ của các nước và các tổ chức quốc tế; có cơ chế để huy động và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Ông có suy nghĩ gì trước thềm năm mới với khối lượng công việc lớn và nhiều thách thức mới nảy sinh như hiện nay?
- Với một khối lượng công việc khổng lồ, với một nhiệm vụ hết sức nặng nề như đã nêu trên nhưng tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể; sự hợp tác quốc tế và với một tinh thần kiên định, không quản ngại gian khó, đầy tinh thần trách nhiệm, những người làm công tác dân số trên cả nước nhất định sẽ đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp năm mới, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các cấp ủy đảng, chính quyền, tới các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã ủng hộ, giúp đỡ, đồng hành cùng sự nghiệp dân số trong suốt những năm qua, hy vọng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự nhiệt tình ủng hộ trong những năm sắp tới; tôi cũng xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác dân số ở từng thôn, xóm, bản làng, phum, sóc,... lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc cho sự nghiệp DS-KHHGĐ đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; xứng đáng với truyền thống của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác