18/06/2024 01:57
Ngày 18/6, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức hội thảo triển khai dự án hỗ trợ tăng cường tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2024 do UNICEF tài trợ. Tham dự và chủ trì hội thảo có GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đại diện UNICEF Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của 23 tỉnh thành thuộc dự án trên cả nước.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: Vắc xin là vũ khí hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là ở Việt Nam với khí hậu nhiệt đới là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó, sự gia tăng về dân số, giao thương đi lại càng khiến bệnh truyền nhiễm có nguy cơn phát tán, dễ bùng thành dịch. Nhờ có vắc xin, sức khỏe người dân mới được đảm bảo an toàn. Qua đó, chúng ta cần ghi nhận sự cống hiến của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao, cố gắng để đạt mục tiêu cao trong tiêm chủng thường xuyên. Trong đó, phải kể đến việc bảo quản vắc xin bằng dây chuyền lạnh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của vắc xin. Tại Việt Nam, hệ thống dây chuyền lạnh đã được sự đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế và của các địa phương. Tuy nhiên, hệ thống dây chuyền lạnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn trong bối cảnh đứt gãy cung ứng vắc xin. Với số lượng dây chuyền lạnh hiện nay có nhiều loại đã được đầu tư từ năm 2008, 2013, 2014. Theo khuyến cáo của WHO, chúng ta cần phải rà soát, kiểm tra, đánh giá để đảm bảo chất lượng của dây chuyền lạnh. Chưa kể sắp tới số lượng vắc xin sẽ nhiều hơn do Bộ Y tế vừa quyết định đưa thêm 4 loại vắc xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, việc tập trung rà soát, đầu tư hệ thống dây chuyền lạnh và quản lý rất quan trọng. Tại Hội thảo hôm nay, bên cạnh việc viện trợ vắc xin, UNICEF còn tham gia hỗ trợ các tỉnh về kỹ thuật, dây chuyền lạnh… giúp công tác tiêm phòng vắc xin của nước ta đạt hiệu quả hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đứt gãy nguồn cung ứng vắc xin vừa qua. GS.TS Phan Trọng Lân mong muốn trong thời gian tới, tổ chức UNICEF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam để công tác tiêm chủng vắc xin đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, góp phần bảo vệ sức khỏe mọi người dân trên cả nước.
|
GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát biểu khai mạc tại hội thảo.
|
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Dự án “Hỗ trợ tăng cường tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2024” và Kế hoạch hoạt động cũng như tìm hiểu các Quy định về quản lý tài chính, tài sản của Dự án. Đồng thời, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Qua đó đưa ra các ý kiến, đề xuất để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác