13/08/2024 04:27
Thành phố Buôn Ma Thuột có 13 phường, 08 xã, dân số trung bình 392.114 người, với 44 dân tộc anh em cùng sinh sống. Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Đắk Lắk, là cửa ngõ giao lưu của các tỉnh đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên, mật độ dân cư đông đúc tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác dễ lây lan, bùng phát.
Tính từ đầu năm đến ngày 9/8/2024, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có 382 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; trong đó 03 phường, xã có số mắc cao gồm: Tân Hòa, Tân Lập, Tân Thành, ghi nhận 19 ổ dịch. Bệnh tay chân miệng: ghi nhận 154 ca mắc, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023 (270 ca). Bệnh Sởi: ghi nhận 6 ca mắc, cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc. Bệnh Ho gà: ghi nhận 6 ca, cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc. Bệnh Whitmore: ghi nhận 2 ca, cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc.
|
Giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột .(ảnh: Đình Thi)
|
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Đối với công tác phòng chống sốt xuất huyết, Trung tâm đã cử cán bộ y tế tổ chức điều tra, giám sát, xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, tất cả các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đều được điều tra, giám sát véc tơ, báo cáo kịp thời theo quy định. Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy ở tất cả các xã phường, duy trì 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, và 2 tuần/1 lần ở những khu vực còn lại. Thành lập các tổ truyền thông, xung kích diệt lăng quăng/ bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Triển khai phun hóa chất chủ động diệt muỗi trưởng thành phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Tân Hòa và xã Hòa Thuận và một số tổ dân phố thuộc phường Tân Hòa. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho người dân bằng nhiều hình thức như: phát thanh trên loa đài, tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp dân, các buổi thực hiện công tác tiêm chủng và truyền thông trực tiếp đến các hộ gia đình… Đối với công tác phòng bệnh Sởi: tất cả các ca bệnh đều được điều tra, giám sát và thực hiện báo cáo trường hợp bệnh theo quy định. Đồng thời, triển khai xử lý môi trường bằng hoá chất Cloramin B 0,5% nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân; hướng dẫn gia đình trẻ khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ ăn uống, nơi sinh hoạt của trẻ… và truyền thông trực tiếp công tác phòng chống bệnh Sởi khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch Sởi cho tất cả trẻ < 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi Sởi và MR. Chỉ đạo các Trạm Y tế điều tra, rà soát thống kê tất cả đối tượng dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi - rubella. Tiến hành lập kế hoạch, dự trù vắc xin và tổ chức các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng này. Tăng cường thực hiện truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, các bệnh có vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và đặc biệt là bệnh Sởi, Rubella, Ho gà, Bạch Hầu... vận động người dân hưởng ứng công tác tiêm chủng do ngành Y tế tổ chức và công tác phòng chống dịch bệnh khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị. Ngoài ra, các các bệnh truyền nhiễm khác cũng đều được điều tra, giám sát và thực hiện báo cáo trường hợp bệnh theo quy định./.
Minh Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác