09/10/2024 02:12
Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, chăm sóc sức khoẻ tinh thần luôn là điều quan trọng không chỉ cho cá nhân mà cho toàn xã hội. Do đó, Liên đoàn Sức khoẻ Tâm thần Thế giới đã chọn ngày 10/10 hằng năm làm Ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động trong ngày sức khoẻ tâm thần thế giới là “Ưu tiên sức khoẻ tâm thần tại nơi làm việc”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khoẻ tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên - bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.
Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của con người. Mọi công dân, bất kể ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần, quyền được chăm sóc cũng như quyền tự do, độc lập và hòa nhập vào cộng đồng. Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần đang ngày càng được quan tâm hơn. Sức khỏe tâm thần liên quan đến lời nói, hành vi, cảm xúc và tâm lý của bạn. Một tinh thần tốt sẽ giúp bản thân mỗi người có trải nghiệm cuộc sống tốt hơn và luôn tràn đầy năng lượng. Nhờ đó, giúp mỗi người vượt qua khó khăn và đương đầu với những vấn đề của cuộc sống một cách tích cực.
|
Bệnh nhân mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 40 giây trên thế giới có 1 người tự tử, 804.000 trường hợp tự tử mỗi năm. Gần 80% trong số đó có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần, mà trầm cảm là phổ biến nhất. Rối loạn tâm thần chiếm 13% gánh nặng bệnh tật trên thế giới và đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm giảm các chức năng sống. WHO cho rằng gần một nửa dân số thế giới chịu ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe tâm thần và 10 – 20% trẻ em và vị thành niên trên thế giới có một trong những rối loạn tâm thần. Nếu những rối loạn đó không được can thiệp, chữa trị thì sẽ góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, học tập, giáo dục và chất lượng cuộc sống của cá nhân nói riêng và cả xã hội nói chung. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê, nhưng các trường hợp tự tử do trầm cảm không phải là hiếm. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo bác sĩ H’Linh Tinh Niê – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, tình trạng sức khỏe liên quan đến các bệnh lý tâm thần của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng so với những năm trước. Bác sĩ H’Linh Tinh cho biết, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm di truyền, sinh học, thói quen sinh hoạt và những tác động từ môi trường bên ngoài. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, mất trí nhớ hoặc rối loạn ăn uống… Bác sĩ H’Linh Tinh chia sẻ, sức khỏe tinh thần tốt là một phần không thể thiếu trong sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của chúng ta. Sức khỏe tinh thần tốt cho phép chúng ta đương đầu với thử thách, kết nối với người khác và phát triển trong suốt cuộc đời. Mọi người đều có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng, đáp ứng nhu cầu về sức khỏe tâm thần và được tôn trọng. Tình trạng sức khỏe tâm thần không bao giờ được coi là lý do để tước bỏ quyền con người của một người hoặc loại họ ra khỏi các quyết định về sức khỏe của chính họ. Tuy nhiên, thực tế có không ít những người mắc bệnh tâm thần phải hứng chịu nhiều vi phạm về nhân quyền. Nhiều người bị loại khỏi cuộc sống cộng đồng và bị phân biệt đối xử, trong khi nhiều người khác không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà họ cần. Do đó, chúng ta cần đấu tranh chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử về sức khỏe tâm thần. Tất cả chúng ta đều có quyền sống cuộc sống của mình mà không bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở những nơi như trường học và nơi làm việc. Hưởng ứng ngày 10/10, Bệnh viện đã tổ chức các hoạt động tư vấn sức khỏe tâm thần tại khoa khám bệnh và lồng ghép qua các buổi sinh hoạt hội đồng người nhà bệnh nhân ở các khoa lâm sàng. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức kêu gọi mọi người quan tâm đến sức khỏe tâm thần qua kênh thông mạng xã hội như trang Fanpage của bệnh viện để chia sẽ thông tin kiến thức cơ bản về sức khỏe tâm thần. “Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Do đó nên chăm sóc sức khỏe tinh thần mỗi ngày như chăm sóc sức khỏe thể chất của mình. WHO khuyến nghị thực hiện 6 điều sau như một phần thói quen hàng ngày để tránh các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Cụ thể, người dân nên tìm kiếm liệu pháp, duy trị hoạt động, giữ liên lạc với những người thân yêu, ngủ ngon, ăn uống lành mạnh và nói về cảm xúc của mình”, bác sĩ H’Linh Tinh Niê nhấn mạnh.
|
Bệnh nhân mắc các vấn đề tâm thần cần được khám, tư vấn và điều trị. (Ảnh: Quang Nhật)
|
Tổ chức y tế thế giới đã xếp các vấn đề về sức khỏe tâm thần là quan trọng không chỉ của xã hội mà của cả thế giới. Chính vì vậy hiểu biết và nắm được những thông tin để có kiến thức chăm sóc và phục hồi sức khỏe tâm thần có một ý nghĩa lớn đối với mỗi cá nhân và cộng đồng trong công cuộc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Để có thêm những thông tin về sức khỏe và sức khỏe tâm thần, bạn hãy tìm đến các cơ sở y tế, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần và các nhà tư vấn mỗi khi gặp những vấn đề liên quan để được giúp đỡ và chia sẻ.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác