21/03/2022 02:16
Ngay sau khi TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện điều trị F0 tại nhà, với ca mắc COVID-19 tăng nhanh sau Tết Nguyên đán 2022, nhân lực ngành y tế TP. Buôn Ma Thuột không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị F0 tại nhà bằng hình thức trực tiếp thì việc lập Zalo nhóm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà không chỉ giảm bớt áp lực cho cơ sở y tế mà còn thuận tiện đối với việc điều trị, theo dõi sức khỏe.
Cuối tháng 2 vừa qua, chị N.T.P (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, chị P. đã đến Trạm Y tế phường Ea Tam để khai báo và được thêm vào nhóm Zalo hỗ trợ F0 điều trị tại nhà của Trạm Y tế phường Ea Tam. Chia sẻ về điều này, chị P. cho hay: “Khi có kết quả nhiễm SARS-CoV-2, tôi được cán bộ Trạm Y tế hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà vì có đủ các điều kiện theo quy định, đồng thời trở thành thành viên của nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Khi tôi tham gia nhóm, đã có gần 1.000 thành viên, bao gồm cả cán bộ y tế, người bệnh và thậm chí có cả những người đã khỏi bệnh. Việc tham gia nhóm Zalo giúp tôi giải tỏa được tâm lý căng thẳng, lo lắng vì tôi được các bác sĩ hướng dẫn rất chu đáo, tận tình về cách sử dụng thuốc, cách tự theo dõi sức khỏe tại nhà, bổ sung dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân .v.v… So với việc phải đến các cơ sở cách ly tập trung như trước đây, thì được điều trị tại nhà và nhận sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ y tế thông qua mạng xã hội không chỉ giúp cho tôi mà các bệnh nhân mắc COVID-19 cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn”.
Bác sĩ Ngô Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ea Tam trao đổi với F0 trên nhóm Zalo
Cũng là thành viên của nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà thuộc Trạm Y tế phường Ea Tam, anh N.P.V (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thổ lộ: “Khi biết bản thân dương tính với SARS-CoV-2, bản thân lại bị cao huyết áp nên tôi rất lo lắng vì không biết khi điều trị tại nhà có ổn không. Thế nhưng, khi được gia nhập vào nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, các bác sĩ đã hỗ trợ cho tôi rất nhiệt tình, giám sát chặt chẽ việc tôi dùng thuốc điều trị COVID-19, luôn quan tâm, động viên và thường xuyên chia sẻ những quy định về điều trị COVID-19. Điều đó đã khiến tôi yên tâm. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định nhưng tôi vẫn chưa có ý định rời khỏi nhóm vì bản thân tôi muốn cùng các bác sĩ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân mới mắc khác”.
Theo bác sĩ Ngô Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tính đến thời điểm hiện tại, phường Ea Tam có khoảng trên 2.000 F0 điều trị tại nhà. Nhân lực của trạm chỉ có 9 cán bộ, nếu như trước đây khi mắc bệnh hoặc thực hiện cách ly F1 tại nhà, cán bộ y tế phải đến từng nhà để theo dõi sức khỏe thì hiện nay với lượng bệnh nhân đông như vậy nhân lực của trạm không đáp ứng được. Xuất phát từ thực tế các bệnh nhân mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ, vì lực lượng y tế địa phương mỏng, không thể đến từng nhà hỗ trợ bệnh nhân nên Trạm Y tế đã chủ động tận dụng mạng xã hội để phục vụ công tác điều trị, trong đó có thành lập nhóm Zalo. Bên cạnh việc trao đổi cách điều trị COVID-19, nhóm Zalo còn là nơi các bệnh nhân hỗ trợ, động viên, ổn định tâm lý, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực thời kỳ hậu COVID-19.
Bác sĩ Lại Quang Miễn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, Số F0 tăng nhanh trong một thời gian ngắn gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế, do đó việc chuyển F0 thể nhẹ điều trị tại nhà là phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân F0 không biết khi nào bệnh có chuyển biến nặng để điều trị kịp thời nên có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó, để kịp thời hỗ trợ F0 điều trị tại nhà hiệu quả, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập 25 nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà thuộc 21 Trạm y tế xã, phường và 4 trạm y tế tư nhân nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, tư vấn, giải đáp thắc mắc về các triệu chứng, phương pháp điều trị, cách sử dụng thuốc đúng cách… trên nền tảng công nghệ thông tin này. Qua đó góp phần giúp các ca bệnh tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế sớm và nhanh nhất, yên tâm điều trị ngay tại gia đình.
Các thành viên trong nhóm Zalo được các bác sĩ tư vấn chăm sóc điều trị tại nhà
“Nhóm Zalo có nhiều lợi ích, lợi ích thứ nhất là nắm bắt kịp thời một số công văn hướng dẫn của cấp trên, thứ hai là trao đổi chuyên môn trong quá trình điều trị, thứ ba là cách sử dụng thuốc một cách hợp lý, an toàn và hiệu quả. Nhóm này cũng được quán triệt rõ ràng, chỉ được trao đổi về mặt chuyên môn, về mặt quản lý, ngoài ra không trao đổi những nội dung khác”. Bác sĩ Miễn cho biết thêm.
Có thể nói, việc đưa trang mạng xã hội vào hoạt động điều trị F0 tại nhà đã góp phần quan trọng vào việc giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế, đồng thời hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bệnh. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ được nhân rộng, qua đó, đội ngũ y tế của các trạm có thêm thời gian và điều kiện tập trung làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp cấp thiết khác./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác