04/04/2022 04:10
Sáng ngày 4/4/2022, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin” và quán triệt bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19. Tại điểm cầu Bộ Y tế, Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì Hội nghị, với sự tham dự của các cơ quan, đơn vị: Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), Cục tin học hóa, Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin Truyền thông), Cục lãnh sự (Bộ ngoại giao) và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Tại điểm cầu các địa phương 63 tỉnh/thành trên cả nước với hơn 800 điểm cầu có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh/ thành phố, Sở Y tế, Công an tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các Bệnh viện, Trung tâm y tế địa phương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, Việt Nam hiện là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Tính đến ngày 1/4/2022, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 gần 100%, mũi 2 là 99%, mũi 3 là 94%. Đối với lứa tuổi từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 94%.
Ngày 20/12/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Hộ chiếu vắc xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc xin điện tử, bao gồm 11 thông tin của người đã tiêm chủng gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh; quốc tịch; bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm đã nhận; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận. Hộ chiếu vắc xin điện tử của mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin khi ra nước ngoài.
Báo cáo của đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an: tính đến ngày 30/3/2022, nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang khoảng 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 41 triệu mũi chưa gửi (các mũi tiêm cũ, thiếu thông tin cơ bản không thể gửi). Trong số 154 triệu mũi tiêm gửi sang đã xác thực đúng thông tin được 112.569.288 mũi tiêm, còn lại 41.431.113 mũi tiêm xác thực sai thông tin. Về giải pháp “làm sạch” dữ liệu, nhập bổ sung các đối tượng cũ: các cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm rà soát, phối hợp với công an địa phương thực hiện bổ sung, xác minh, xác thực thông tin và nhập dữ liệu lên hệ thống.
Như vậy, đến nay công tác chuẩn bị triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin” cơ bản đã hoàn thành, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vắc xin” mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. “Hộ chiếu vắc xin” sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Đối với những người dân chưa được cấp “Hộ chiếu vắc xin” là do thiếu/sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 bắt đầu từ ngày 08/04/2022 để Bộ Y tế tiến hành cấp “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/04/2022”./.
Minh Thu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác