26/04/2023 09:18
Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người. Cùng với sự gia tăng của dân số và chất lượng cuộc sống, nhu cầu về thực phẩm ngày càng gia tăng. Hiện nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp và bước đầu được bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những mục đích khác nhau mà một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã lợi dụng những chính sách mở cửa, hội nhập để kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo theo quy trình sản xuất… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Xuất phát từ mục đích bảo vệ sức khỏe toàn dân trước các nguy cơ từ các loại thực phẩm kém chất lượng, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và tạo được những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong năm 2022, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp tổ chức được 33 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, tổng số cơ sở được kiểm tra là 597 cơ sở; số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt yêu cầu là 474 cơ sở, đạt 79,4%. Không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn huyện.
Lực lượng liên ngành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh hành tạp hóa
Qua các đợt kiểm tra của lực lượng liên ngành cho thấy tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Nông nghiệp và Công thương quản lý chưa triển khai các hoạt động giám sát thường xuyên, nên đa số các cơ sở sản xuất không đáp ứng đủ các điều kiện về ATTP theo quy định của pháp luật. Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt tỷ lệ còn thấp đạt 65,7% năm 2022 (chỉ tiêu giao 75%). Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện đa phần có quy mô nhỏ lẻ; các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, bánh kẹo.... đa dạng về mẫu mã, chủng loại đều được sản xuất ngoài tỉnh, có nhiều sản phẩm ngoại nhập, do đó, công tác kiểm tra, giám sát về nguồn gốc, chất lượng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện nay hoạt động mua bán các loại sản phẩm đang diễn ra phổ biến trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo và một số cơ sở sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hàng tiềm ẩn nguy cơ kinh doanh hàng giả, kém chất lượng. Vì vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác an toàn thực phẩm cần được tăng cường.
Buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ ngay trên lề đường
Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện đề ra một số giải pháp khắc phục. Cụ thể, đẩy mạnh công tác giải quyết, hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng “Nông nghiệp, sản phẩm sạch trên địa bàn huyện”, phát huy hơn nữa mô hình OCOP. Tổ chức các lớp tập huấn về ATTP và rà soát cơ sở sản xuất-kinh doanh đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận ATTP. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm theo từng chuyên đề trọng điểm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm, tẩy chay các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm./.
Trịnh Văn Thế: Phòng DS&TTGDSK-TTYT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác