07/03/2017 10:00
Trong những năm qua, ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều gia đình sinh ra những đứa con bị dị tật bẩm sinh, gây khó khăn cho cuộc sống của mỗi gia đình và xã hội. Vì vậy, việc triển khai mô hình Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là giải pháp quan trọng để cho ra đời những em bé khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.680 trẻ khuyết tật, trong đó hơn một nửa không có khả năng phục hồi. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm từ 1,5% đến 3% và có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do trong quá trình mang thai, người mẹ hay tiếp xúc, hít phải hóa chất độc hại, khói thuốc lá, thai phụ bị nhiễm virus, vi khuẩn, trong đó có virus Rubella; thai nhi bị tác động bởi một số bệnh tật của thai phụ. Ngoài ra, một số trường hợp dị tật bẩm sinh còn do tàn dư của chiến tranh để lại, cha và mẹ của trẻ đều có nhân tố di truyền dị tật…Ở Đắk Lắk hiện có hơn 30% dân số là người dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn xảy ra ở một số nơi cũng là nguy cơ tiềm ẩn của dị tật bẩm sinh.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn hạn chế. Ở thành thị có điều kiện về kinh tế, chăm sóc y tế nhưng một số thai phụ còn có thái độ chủ quan đi siêu âm, xét nghiệm muộn nên hiệu quả của việc can thiệp sàng lọc trước sinh còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn những trường hợp bị dị tật bẩm sinh đều xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi này, trình độ dân trí còn thấp, người dân mà đặc biệt là phụ nữ mang thai thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thời kỳ mang thai, họ cũng chưa hình dung được thế nào là sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Một số gia đình vốn đã khó khăn, lại sinh ra những đứa con bị dị tật, nên dù vợ chồng có gồng mình làm việc cũng không đủ tiền chữa trị cho con, bao nhiêu của cải trong gia đình lần lượt ra đi. Vì thế, cái đói, cái nghèo vẫn luẩn quẩn với cuộc sống của họ. Chị Hồ Thị Phương – xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin tâm sự:Vợ chồng chúng tôi có 1 đứa con năm nay đã 5 tuổi, nhưng từ khi sinh ra cháu đã bị dị tật nên không thể đi lại được, nhiều lần phải đưa cháu vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị, rất tốn kém. Trước đây chúng tôi cũng không biết thế nào là sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giờ mới được biết thì đã muộn.
Từ thực tế đó, năm 2011, tỉnh Đắk Lắk được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình chọn triển khai mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Mô hình sẽ được thực hiện ở 30 xã thuộc thành phố Buôn Ma thuột, huyện Cư Kuin, Ea Kar, CưMGar và huyện Lắk. Đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế để những trẻ em sinh ra không bị dị tật bẩm sinh, thay vào đó là những trẻ có thể chất và trí tuệ phát triển.
Theo số liệu từ Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình(Bộ Y tế), từ năm 2007 đến năm 2010, cả nước đã có 6.235 thai phụ được tiến hành sàng lọc chẩn đoán trước sinh. Trong đó, có 3.475 ca (chiếm 55,7%) cho kết quả bất thường cần can thiệp để tránh bị dị tật khi trẻ được sinh ra. Ở Đắk Lắk hiện có hơn 490.500 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo nghiên cứu của nhiều bác sỹ chuyên khoa, mọi phụ nữ ở tuổi sinh đẻ đều có 5% nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh, nhưng có hơn 70% dị tật bẩm sinh có thể ngăn chặn, chữa khỏi hoặc cải thiện từ giai đoạn trong bào thai và giai đoạn sơ sinh, nếu người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế đủ điều kiện. Bác sỹ Phạm Huy Nhân – Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư Kuin: Việc triển khai mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là điều kiện tốt nhất để người dân có thêm kiến thức về chăm sóc thai phụ, được tiếp cận các dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh để can thiệp kịp thời, làm giảm thiểu tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số mỗi địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả Mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông. Vì thế, ở các đơn vị được triển khai Mô hình, các hình thức tuyên truyền như tư vấn cộng đồng, sinh hoạt nhóm…thường xuyên được chú trọng. Thông qua các buổi sinh hoạt như thế này, người dân được tư vấn, phát tờ rơi, và tìm hiểu những kiến thức về nguyên nhân của dị tật bẩm sinh, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản thời kỳ mang thai, cách phát hiện và can thiệp kịp thời những trường hợp có dấu hiệu bất thường của thai nhi. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông qua hệ thống truyền thanh địa phương, họp tổ, tư vấn tại nhà cũng được triển khai đồng bộ. Ông Mai Văn Phán – Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết: Đây là năm đầu tiên Đắk Lắk triển khai mô hình, nên nhiệm vụ chính là đẩy mạnh truyền thông giáo dục để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Từ đó, giúp họ tự giác khám thai đều đặn, đi xét nghiệm, siêu âm trong quá trình mang thai để có biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Để Mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh đạt hiệu quả rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở trong việc chỉ đạo, giám sát và tuyên truyền về Mô hình. Đồng thời, nghành y tế cần làm tốt việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đơn vị triển khai; phát hiện, quản lý đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ bị dị tật, các trẻ sơ sinh được chuẩn đoán và xác định mắc một số bệnh di truyền, chuyển hóa bẩm sinh để can thiệp kịp thời, góp phần cho ra đời những em bé khỏe mạnh và loại bỏ dị tật ở trẻ sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số./
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác