07/03/2017 10:00
Do quan niệm “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”, “nhiều con là nhiều của” còn tồn tại nên người dân ở xã Ea Trang, huyện M’Drắk vẫn sinh đông con. Vì thế, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám nhiều gia đình, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở địa phương.
Cùng với Cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Trang, chúng tôi đến thăm gia đình anh Y’Khăn Niê và chị H’Lý Ksơr ở buôn Jam. Anh chị đã có với nhau 5 đứa con, gồm 3 trai và 2 gái. Trong đó, đứa con đầu 18 tuổi không được đi học và lấy chồng cách đây 3 năm, còn đứa con út năm nay mới 5 tuổi. Kinh tế gia đình lúc nào cũng thiếu thốn và túng quẫn. Cả nhà hiện có 6 người ăn chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nước, nên hàng ngày, anh Y’Khăn phải đi làm thuê, làm mướn để có thêm thu nhập, nhưng vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống và việc học hành của các con. Không chỉ thiếu ăn mà chỗ ở cũng chỉ là căn nhà sàn tuyềnh toàng lợp tranh. Chị H’Lý Ksơr cho biết thêm: Gia đình mình khổ lắm. Chồng mình bị mắc bệnh chân to, chân bé, nhưng hàng ngày cũng phải đi đốn củi trong rừng đem đi bán. Còn mình thì đi làm cỏ thuê, gặt thuê cho người ta để kiếm thêm tiền. Nhiều hôm cơm cũng không đủ ăn đâu. Giờ các con đang tuổi học, tiền học phí có Nhà Nước hỗ trợ, nhưng tiền mua quần áo, sách vở thì không có”.
Chị H'Lý Ksơr và đứa con út
Còn gia đình anh Y’Lan Niê và chị H’Long Niê có với nhau 3 đứa con, 2 trai và 1 gái. Do thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 1 sào lúa nên cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Trong khi đó, lao động chính của gia đình là anh Y’Lan, nhưng anh bị bệnh phong(chân bị vi rút bệnh phong ăn dần, ăn mòn) nhiều năm nay, việc đi lại đối với anh Y’lan còn khó khăn, huống chi là làm việc. Cuộc sống gia đình thiếu thốn nên đứa con đầu của anh Y’lan và chị H’Long tuy mới học hết lớp 3 đã phải nghỉ học, phụ giúp việc nhà để bố mẹ đi làm thuê, làm mướn.
Xã Ea Trang, huyện M’Drắk hiện có 973 hộ với hơn 4.860 nhân khẩu, trong đó, có 1.130 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng. Do quan niệm “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”, “đông con là đông của” còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều gia đình, nên tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên hàng năm của xã chiếm hơn 15%.
Do bố mẹ sinh đông nên trẻ em ở xã Ea Trang còn hiếu thốn nhiều thứ.
Một khó khăn nữa trong công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Ea Trang là do toàn xã hiện có hơn 45% hộ nghèo, người dân nơi đây buộc phải bươn trải kiếm sống, họ không có điều kiện tham gia sinh hoạt tại các tổ chức, đoàn thể, ít được tiếp cận với các kiến thức về sống xã hội, chưa hiểu được lợi ích của chính sách về dân số. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn nghèo nàn về nội dung, chưa phong phú về hình thức.
Ông Y’Liêm Byă – Phó chủ tịch UBND xã Ea Trang cho biết: Đại đa số những gia đình sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ea Trang là do hạn chế về nhận thức, tư tưởng. Từ đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3. Một mặt, huy động các cấp, các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền về chính sách dân số, pháp lệnh dân số. Mặt khác, chỉ đạo cho Ban dân số xã phát huy vai trò của Cán bộ chuyên trách và Cộng tác viên dân số trong việc tổ chức họp nhóm, đi đến tận nhà đối tượng để tư vấn, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai hiện đại.
Cần tăng cường công tác tư vấn Kế hoạch hóa gia đình cho người dân.
Tuy vậy, để đạt hiệu quả cao trong công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Ea Trang, thiết nghĩ ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành, các đoàn thể. Trong đó, cần tập trung vào việc tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho các cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc./.
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác