07/03/2017 10:00
Thị trấn Ea Súp có 2.915 hộ với 12.100 nhân khẩu sinh sống ở 20 thôn, buôn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 29,7% dân số. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới nhau vẫn còn tư tưởng thích sinh đông con. Không chỉ ở những gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số, mà cả cặp vợ chồng là người kinh, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn xảy ra.
Anh Y’Phó Ksơr và chị H’Yoan Êban ở buôn A1, khi mới cưới nhau đã có 5 sào đất làm lúa và 3 sào rãy, cuộc sống tuy chưa khá giả nhưng cũng không đến nỗi nghèo. Tuy nhiên, với suy nghĩ phải sinh đông con để sau này có lao động làm việc, 4 đứa con lần lượt đã ra đời. Hiện tại, chị H’Yoan đang mang bầu đứa con thứ 5, nhưng có thể đây chưa phải là đứa con út vì khi được hỏi bao giờ thực hiện kế hoạch, thì anh Y’Phó quả quyết: chừng nào sinh hết trứng mới thôi.
Vợ chồng anh Y'Phó và những đứa con
Nhân khẩu trong gia đình mỗi năm một tăng, còn đất đai thì không tăng, cho dù cả 2 vợ chồng Y’Phó quần quật làm việc vẫn không bù đắp được những thiếu thốn trong gia đình. Những đứa con nheo nhóc, ốm yếu, quần áo thiếu thốn cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ gia đình Y’Phó mà hầu hết các cặp vợ chồng ở buôn A1 sau khi cưới nhau đều sinh từ 3 đứa con trở lên. Khi nào người dân nơi đây chịu sử dụng biện pháp tránh thai, đó là một vấn đề khó đối với những người làm công tác dân số.
Còn anh Nguyễn Văn Sơn và chị Tạ Thị Phương đã có với nhau 3 đứa con, đều là con gái. Với mong muốn có một cậu con trai nối dõi, chị Phương tiếp tục mang thai đứa con thứ 4. Cuộc sống gia đình anh Sơn rất khó khăn vì không có đất làm nương, làm rẫy. Thu nhập chính của gia đình là từ những đồng tiền đi làm thuê, làm mướn của cả 2 vợ chồng. Trước cảnh thiếu thốn của gia đình, đứa con đầu tuy mới học đến lớp 7 đã phải bỏ học đi làm thuê. Còn những đứa con còn lại liệu có được học hành đến nơi, đến chốn hay không cũng là một vấn đề lớn đối với anh Sơn và chị Phương. Giờ đây, khi được cán bộ dân số tuyên truyền về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, và nhìn qua những gia đình sinh ít con, anh Sơn mới thấy được sinh đông con là một trong những nguyên nhân làm tụt hậu sự phát triển của gia đình và con cái.
Thị trấn Ea Súp hiện có 455 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuy nhiên, các chị em ở đây chưa có điều kiện tham gia các Câu lạc bộ, các đoàn thể, vì thế việc tiếp cận các kiến thức về đời sống nói chung, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trấn Ea Súp có 20 thôn, buôn nhưng còn thiếu 1 Cộng tác viên dân số. Do đó, địa phương cần nhanh chóng ký hợp đồng với Cộng tác viên mới. Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về tuyên truyền, tư vấn cho đội ngũ Cộng tác viên dân số.
Song song với ổn định bộ máy tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, thì một công việc cần được ưu tiên hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình để người dân tự giác sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, ở những buôn đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường vận động già làng, trưởng buôn, những người có uy tín trong cộng đồng, để họ khuyên bảo, động viên người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuyên truyền, tư vấn người dân từ bỏ suy nghĩ “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”, “sinh khi nào hết trứng mới thôi”…
Còn đối với những gia đình người kinh, cần tập trung tuyên truyền về bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn trọng nữ. Để thực hiện tốt những công việc trên, ngoài sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở thị trấn Ea Súp.
PTT
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác