07/03/2017 10:00
Bệnh nhân nên đi khám sớm để tìm nguyên nhân và có điều trị thích hợp
1. Cháu lập gia đình bốn tháng nay. Chồng cháu hoàn toàn khoẻ mạnh, song cháu không may bị mắc bệnh hen từ nhỏ, anh ấy có biết điều này trước khi bọn cháu quyết định lấy nhau. Cháu vẫn dùng biện pháp tránh thai từ ngày cưới đến giờ, cháu vẫn băn khoăn, bị bệnh hen không biết có nên có thai hay không, nếu có thì tiên lượng cho mẹ và thai nhi sẽ như thế nào, thưa bác sĩ? (ngoccham).
- Hen là bệnh có tiềm năng thường xảy ra, nhất là khi phụ nữ có thai. Trong thực tế có khoảng 7% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen. Tuy nhiên, nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho mẹ và thai nhi. Những trường hợp hen không được điều trị hiếm khi gây tử vong, nhưng cũng có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén và sinh non. Với thai nhi, những biến chứng có thể gặp khi hen không được điều trị tốt là tử vong khi sinh ra, chậm phát triển trong tử cung, sinh non, nhẹ cân, và chỉ số Apgar thấp khi sinh (các dấu hiệu khóc, hô hấp, nhịp tim, xanh tím, trương lực cơ ở mức lo ngại).
Có thể kiểm soát được hen bằng các biện pháp y học một cách chu đáo, hoặc tránh những tác nhân gây ra cơn hen đã biết, do đó hen không phải là lý do để tránh có thai. Hầu hết các biện pháp được sử dụng để kiểm soát hen không có hại cho sự phát triển của thai nhi và không liên quan chuyện sẩy thai, hay gây dị tật cho thai nhi. Mặc dù chưa thể khẳng định chắc chắn về kết quả của thai nghén, nhưng hầu hết những phụ nữ bị hen và dị ứng có diễn biến tốt khi được thầy thuốc chăm sóc tốt.
2. Vừa rồi tôi không may bị đau vùng quặn thận, đi siêu âm ở một phòng khám cho thấy không có sỏi, nhưng nửa tháng sau bị cơn đau tương tự tôi đi siêu âm lại ở Bệnh viện Đại học Y, phát hiện có sỏi tiết niệu 0,6cm. Tôi hoang mang quá, liệu kết quả siêu âm có chẩn đoán nhầm bệnh gì với bệnh sỏi đường tiết niệu?Nếu bị sỏi tiết niệu, tôi cần điều trị ra sao, thưa bác sĩ? (trangthu111...@yahoo.com).
- Có khá nhiều bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh sỏi tiết niệu. Bệnh tắc ruột, sỏi đường mật, sỏi tuỵ, viêm tuỵ cấp... cũng gây đau quặn ở vùng thận. Nếu cơn đau về phía hố chậu phải (thường gặp trong sỏi niệu quản, phải khoảng 1/3 dưới chỗ niệu quản bị gấp khúc), có sốt nhẹ, nôn hoặc buồn nôn, cần lưu ý đến bệnh ruột thừa. Đau vùng hố chậu phải còn có thể do viêm đại tràng, ở phụ nữ có thể là viêm phần phụ, hoặc u nang buồng trứng, đặc biệt trong u nang buồng trứng xoắn đã vỡ...
Nếu bạn siêu âm bị sỏi đường tiết niệu thì không nghi ngờ gì nữa, cần gặp bác sĩ để điều trị càng sớm càng tốt, nếu không, khi tiến triển nặng hơn sẽ gây biến chứng nguy hiểm, như chảy máu, giãn đài - bể thận, viêm cầu thận, sỏi to làm tắc gây bí tiểu tiện, thận ứ nước... ảnh hưởng đến chức năng của thận. Người bị sỏi tiết niệu cần uống nhiều nước để làm sao lượng nước tiểu trong mỗi ngày tối thiểu có từ 1,5 lít. Tránh để nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhất là nữ giới. Chế độ ăn cũng rất cần được lưu ý: ví dụ, những người bị sỏi tiết niệu loại calci oxalat nên hạn chế ăn tôm, cua, các chất giàu calci.
BS. Thuỳ Linh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác