07/03/2017 10:00
Thời điểm nào nên đi khám thai, các dấu hiệu bất thường trong quá trình thai nghén, liệu có phải kiêng "yêu" để tránh ảnh hưởng tới em bé... là những thắc mắc của không ít bà bầu.
Dưới đây là giải đáp của bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội để giúp chị em tự tin và khỏe mạnh trong suốt thời kỳ mang bầu.
- Khi nào tôi nên đi khám thai lần đầu tiên?
Ngay khi bạn thấy có những biểu hiện của việc mang thai: Chậm kinh khoảng 5-10 ngày, thử thai HCG dương tính, vú căng. Lúc này, bạn nên đi khám để xác nhận có thai và thai nằm đúng vị trí (trong tử cung) chưa. Thời điểm này không phải ai cũng giống nhau, có người thai vào tử cung sớm, có người vào muộn, nhưng thông thường là khi thai được 4 tuần.
Ngoài ra, tuần thứ 6-7 bạn có thể đi kiểm tra lại lần nữa để xác định có tim thai chưa.
Sau khi khám và xác nhận có thai trong buồng tử cung cần duy trì thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong giai đoạn này, bạn cũng nên khám tổng thể xem có bệnh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục để có thể điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng tới thai. Ví dụ, bệnh sùi mào gà nếu không chữa sớm có thể nhiễm vào phổi con, nguy hiểm; hay một số thai phụ bị polip âm đạo, gây chảy máu, lại nhầm lẫn là dọa xảy thai...
|
Xét nghiệm máu sàng lọc trước sinh cho thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh:Minh Thùy. |
- Trong suốt quá trình thai nghén tôi có nên thường xuyên siêu âm vì nghe nói siêu âm nhiều gây hại cho bé?
Cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định siêu âm ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, nếu có điều kiện bạn có thể đi khám thường xuyên. Nếu không, bạn cũng cần siêu âm ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ để phát hiện dị tật thai nhi ở các tuần 12-22-32, đồng thời làm xét nghiệm máu sàng lọc dị tật trước sinh ở tuần 15-18.
Ở 3 tháng cuối cùng, mức độ khám và siêu âm có thể thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng toàn thân của mẹ và sức khỏe của bé.
Ngoài siêu âm, trong quá trình mang thai bạn cũng nên khám, theo dõi đầy đủ tình trạng huyết áp, phòng sản giật, vị trí rau bám.
- Tôi có cần "ăn gấp đôi" hay kiêng khem gì về ăn uống trong thời kỳ mang bầu không?
Khi có thai, bạn cần chú ý đến chế độ ăn hơn vì không chỉ ăn cho cơ thể bạn mà còn đảm bảo cho sự phát triển của đứa con trong bụng. Thai nhi sẽ hấp thụ tất cả những gì bạn ăn vào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải ăn càng nhiều càng tốt. Lượng thức chỉ cần nhiều hơn bình thường 1/4, đảm bảo đa dạng, đủ chất. Nên ăn nhạt, chống táo bón.
Cân nặng mẹ lúc đẻ chỉ cho phép lên từ 9-12 kg (3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5kg, 3 tháng cuối tăng 5-6kg.
Cần bổ sung axit folic, canxi và tuyệt đối tránh sử dụng rượu, thuốc lá. Bạn cũng nên bỏ qua thức ăn sống, tái, chưa được tiệt trùng hoặc chế biến.
Song song với chế độ ăn, bạn vẫn có thể làm việc theo khả năng, không quá mạnh và tránh tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại.
- Tôi có nên kiêng "chuyện ấy" để đảm bảo an toàn cho bé?
Không cần kiêng quan hệ tình dục (trừ các trường hợp có chỉ định của bác sĩ do bệnh lý đặc biệt khi mang thai (ra máu, lên cơn co bóp, dọa động thai, xảy thai) nhưng cần tránh quan hệ quá mạnh bạo.
- Những dấu hiệu nào là bất thường trong quá trình mang thai?
Điều này còn tùy từng giai đoạn:
Ở quý 1 thai kỳ, bạn không thể chủ quan nếu thấy nghén nhiều quá hoặc bị ra máu, đau bụng. Nghén quá mức (cơ thể suy nhược, mệt mỏi, không ăn được...) có thể là dấu hiệu bệnh lý: sinh đôi, chửa trứng, nhiễm độc thai nghén. Ra máu, đau bụng có thể là dấu hiệu chửa ngoài tử cung, dọa sẩy thai...
Ở quý 2, dấu hiệu cần chú ý là khi không có thai máy, thai đạp ít...
Quý 3: Ra nước bất thường vùng âm đạo, có thể do rỉ ối.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác