07/03/2017 10:00
Các bà mẹ nuôi con trai, nếu thấy túi bìu của các cháu không cân đối hoặc lép xẹp, khi nắn vào bìu thấy chỉ có 1 bên có “hột” hay có bên lại thấy 2 “hột” thì hãy đưa con đi khám bệnh sớm.
Nhiều người, thậm chí nhiều bác sĩ quan niệm cứ để cậu bé lớn rồi tự tinh hoàn khắc sẽ xuống đúng vị trí, nhưng hậu quả là bé trai đó lớn lên thành người đàn ông vô sinh, thậm chí được báo trước có nguy cơ cao bị ung thư tinh hoàn.
Các bé trai cần được chăm sóc sức khoẻ sinh sản sớm để có sự phát triển đầy đủ
(Ảnh: V.T)
Hậu quả của chậm trễ
Anh Nguyễn Văn Nam (30 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sau 2 năm lập gia đình không có con, khi đi khám bệnh mới biết anh không hề có tinh trùng. Bác sĩ chuyên khoa nam học và tiết niệu đã thăm khám và kết luận: Sở dĩ anh Nam không có tinh trùng vì 2 tinh hoàn của anh đều nằm lạc chỗ, trong ổ bụng. Đó được gọi là bệnh tinh hoàn lạc chỗ. Tinh hoàn không được nằm đúng chỗ trong bìu sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ ở nhiệt độ thích hợp. Khi đó, các tế bào sản xuất tinh trùng không hoạt động tốt nên không thể sản sinh ra những con giống khỏe mạnh. Theo anh Nam kể, từ lúc nhỏ, mẹ anh đã biết 2 bên bìu của cậu con trai mình đều không có “hột” bình thường. Thế nhưng người trong làng, rồi đến bác sĩ khám cũng bảo cứ lớn lên rồi tinh hoàn lạc chỗ tự khắc biết tìm đường về, nên mọi việc mới chậm trễ như vậy.
ThS Lương Nhất Việt - Phó Trưởng khoa Nhi, BV Việt Đức - khi nhận lời phẫu thuật cho anh Nam đưa tinh hoàn lạc chỗ về đúng chỗ đã đưa ra các khả năng: Chỉ giữ chức năng sinh lý cho chủ nhân chứ không thể khôi phục chức năng sinh tinh của tinh hoàn. Nếu chỉ đưa được 1 bên tinh hoàn về, thì phải cắt bỏ bên kia. Bởi khi tinh hoàn lạc chỗ, dây treo của nó sẽ không phát triển bình thường tương ứng với sự lớn của cơ thể. Nếu quãng đường từ vị trí lạc chỗ tới bìu quá dài thì buộc phải cắt bỏ. Thậm chí, do lạc chỗ quá lâu, tinh hoàn dễ bị xoắn và có nguy cơ bị ung thư nên nếu phát hiện nguy cơ tiền ung thư, sẽ phải cắt cả 2 bên. Người bệnh phải chấp nhận để bảo tồn tính mạng dù chắc chắn ảnh hưởng tới khả năng sinh lý.
Mổ tốt nhất khi trẻ 1 – 6 tuổi
ThS Việt cho biết, dị tật bẩm sinh này cần phải được chữa càng sớm càng tốt, không thể để tự khỏi. Phẫu thuật có thể tiến hành sau khi trẻ được 1 tuổi, khi cơ thể trẻ đã ổn định và chịu được gây mê cho cuộc mổ. Nếu không được đưa về đúng chỗ, sau 6 tuổi, khả năng sinh tinh của tinh hoàn lạc chỗ đã bắt đầu bị ảnh hưởng. Sau 12 tuổi, khả năng này đã giảm 50% và ngày càng giảm hơn.
Việc phẫu thuật kịp thời trước 6 tuổi thường cho kết quả tốt. Điều đó không chỉ ngăn ngừa nguy cơ bị vô sinh, ung thư tinh hoàn mà về tâm lý cũng tránh cho các cháu mặc cảm là khác biệt so với bạn bè. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người còn quan niệm sai lầm. Thậm chí có những bác sĩ ở tuyến tỉnh cũng khuyên bệnh nhân nên chờ lớn mới mổ. Khoảng 3 – 5 năm gần đây, các bậc cha mẹ ở các TP lớn đã có ý thức về căn bệnh này hơn. Tới đây, ngoài trường hợp phẫu thuật của anh Nam nói trên, khoa Nhi BV Việt Đức dự kiến còn mổ cho 2 bệnh nhi khác, một cháu 16 tháng tuổi và cháu khác 5 tuổi.
Ngoài dị tật trẻ không có hoặc chỉ có 1 tinh hoàn ở bìu, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám ngay nếu 2 bên bìu lại có tới... 3 “hột”. Đây là bệnh nang nước thừng tinh. Hột thứ ba kia chính là nang, nang này tuy lành tính, nhưng sự tồn tại của nó gây chèn ép mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn khiến tinh hoàn bị kém phát triển.
Cha mẹ có thể phát hiện khi quan sát túi thấy túi bìu không cân đối: Một bên trông bình thường và một bên nhỏ hoặc xẹp lép (ẩn tinh hoàn một bên); hoặc cả hai túi bìu nhỏ, xẹp. Nắn vào bìu, không thấy tinh hoàn ở một hoặc cả hai bên. Có thể nắn thấy tinh hoàn ở ống bẹn. Có trường hợp tinh hoàn lúc ở bìu, lúc bị co lên trên ống bẹn. Dùng ngón tay đẩy tinh hoàn xuống bìu được, nhưng khi bỏ tay ra thì tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu. |
Nguồn: laodong.com.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác