Theo tiến sĩ Tâm lý học Anne Dranitsaris (Canada), căn cứ vào khung phân loại tâm lý-thần kinh nhằm xác định những nhu cầu điều khiển hành vi của con người, có 8 phong cách làm cha phổ biến.
Mỗi phong cách của bố đều có mặt tốt và mặt hạn chế, và đều ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái, theoCanadaianliving.
Người cha xã hội
Thân thiện, hòa đồng, nhiệt tình, ưu tiên hàng đầu là mối quan hệ với con cái, bạn bè, con của bạn bè, gia đình và cộng đồng. Họ chu đáo, tháo vát và luôn là “người bố siêu nhân”, toàn tâm toàn ý tham dự vào mọi hoạt động và sự kiện của con cái hơn bất kỳ ông bố nào khác. Họ luôn cố gắng để dạy con cái biết cách hòa thuận với người khác. Họ là chỗ dựa về mặt cảm xúc cho con cái và bạn bè. Họ đề cao vai trò của sự giao tiếp và khuyến khích con cái tự do bộc lộ khả năng.
Đôi khi họ không hiểu tại sao con không muốn tham gia vào các sự kiện của gia đình. Do vậy, họ dễ cảm thấy nản lòng, khó chịu và bị tổn thương. Họ không khuyến khích chủ nghĩa cá nhân. Vì họ tin tưởng vào tầm quan trọng của địa vị xã hội và các mối quan hệ nên họ cảm thấy bối rối khi con cái không cư xử theo lẽ thường. Thay vì chấp nhận sự khác biệt của con cái và những hành vi của một đứa trẻ, họ muốn con cái tuân thủ những gì họ mong muốn.
Người cha hành động
Họ có nhu cầu được công nhận, ngay cả khi vui đùa với con cái. Bọn trẻ sẽ là các khán giả và họ cố gắng làm cho chúng cảm thấy vui sướng với những gì họ làm cho chúng. Họ cố gắng để giúp bọn trẻ nhận ra tài năng của chúng và cho chúng nhiều cơ hội để trau dồi tài năng đó.
Không thích những gì theo lệ thường, họ luôn sẵn sàng từ bỏ những gì họ đang làm để có được những trải nghiệm mới. Họ khuyến khích con cái bộc lộ cá tính và cho bọn trẻ không gian để phát triển tính độc lập và tự tin, để chúng tự làm những việc của chúng. Họ muốn tự hào về con cái và sẽ khoe khoang với những ông bố bà mẹ khác về tài năng của con cái cho dù chúng có thể không giỏi giang đến mức như vậy. Họ làm cuộc sống trở nên kỳ diệu với tình yêu và niềm vui sống.
Họ có thể gặp khó khăn khi làm bài tập về nhà với bọn trẻ, nếu đó là môn học mà họ không thích. Họ thiếu kiên nhẫn với các chi tiết và kế hoạch. Họ thấy khó khăn khi phải làm những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống bình thường. Họ có thể rời bỏ công việc nếu có quá nhiều việc phải làm, và có thể để mặc cho vợ chăm sóc con cái và chu tất việc nhà.
Người cha nghệ sĩ Mục tiêu của họ là tạo ra mối quan hệ hoàn hảo với con cái. Họ tận tụy và hòa nhã, thường đặt nhu cầu của con cái lên trên nhu cầu bản thân mỉnh. Họ sẵn sàng dành thời gian để vui đùa với con khi chúng còn bé và sẽ tìm ra cách để tương tác với chúng khi chúng lớn hơn. Họ tập trung nhiều vào cảm giác của con cái, họ lắng nghe và cố gắng để hiểu được chúng và phản ứng một cách thích hợp. Họ cũng cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm xúc của mình với chúng. Họ cũng thích làm những việc nhỏ nhặt nhưng quan trọng đối với chúng.
Khác với các kiểu mẫu người bố khác, trực giác của họ cho họ biết làm cách nào để dỗ dành con khi chúng buồn, làm chúng yên lòng và khuyến khích chúng. Họ giúp bọn trẻ tin rằng chúng có thể làm được mọi thứ chúng muốn.
Ông bố nghệ sĩ cho rằng họ có thể làm được mọi việc cho bọn trẻ. Nhưng có khi, họ cảm thấy đã cho đi quá nhiều. Họ thấy thật khó mà rèn con vào khuôn phép và điều này khiến họ có thể trở nên khắt khe, cứng nhắc. Sắp xếp và duy trì lối sống hằng ngày của gia đình có thể là quá sức với họ. Họ thường có khuynh hướng trì hoãn và thường cảm thấy mình không hữu ích.
Người cha phiêu lưu Họ luôn yêu cuộc sống. Họ biết cách làm thể nào để vui đùa với con cái. Họ không chỉ đăng ký cho con học đá bóng mà họ còn tham gia đá bóng và huấn luyện cho chúng. Họ dễ chịu và cởi mở. Họ sống một cuộc sống không vướng bận. Họ khiến cuộc sống nhàm chán trở nên thú vị hơn. Trong khi họ có thể ghét tham dự vào những công việc thường nhật hay chăm sóc con về mặt tình cảm, họ thích tập trung vào việc bố trí căn nhà để thích hợp với bọn trẻ khi chúng lớn lên. Do vậy, họ có khối công việc thú vị phải làm mà bọn trẻ hoàn toàn có thể tham gia.
Hướng ngoại và bốc đồng, họ sẽ lờ đi những công việc thường nhật và có thể khiến con cái rối tung lên bởi nhu cầu tự phát, không được dự tính trước của họ. Họ không thể chịu được sự yên ắng và những khoảng thời gian trôi qua chậm chập trong cuộc sống gia đình. Họ sẽ tìm thú tiêu khiển để kéo mình ra khỏi không khí buồn tẻ đó. Họ khó tuân theo các quy tắc, thiếu kiên nhẫn để có thể làm bài tập về nhà cùng con vì bản thân họ ghét việc học thuộc lòng. Bản tính thích cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con cái, đặc biệt khi họ cùng chơi thể thao hay các hoạt động thể chất khác.
Họ có thể không hiểu biết gì về nhu cầu tình cảm của con và làm bọn trẻ nản lòng. Họ có thể cạnh tranh với cả con mình và có khi còn yêu cầu chúng phải chăm sóc bố.
Người cha trí tuệ Họ thích dạy dỗ con cái và cố gắng làm cho bọn trẻ yêu thích việc học hỏi bằng cách tìm ra những cách để khơi dậy tính tò mò của chúng. Họ đề cao tính độc lập và luôn cho bọn trẻ không gian để tự phát triển. Trong khi họ không luôn luôn đồng ý với bọn trẻ nhưng họ tin rằng bọn trẻ có quyền có quan điểm riêng. Họ khao khát con họ thể hiện năng lực của chúng, vì thế đôi khi họ thúc ép bọn trẻ. Cũng có khi họ khoan dung và điềm tĩnh để không chỉ trích lỗi lầm của con. Họ có khuynh hướng làm theo những gì thu hút bọn trẻ hơn là cố gắng điều khiển chúng. Họ không thích bị kìm hãm bởi các quy tắc. Họ có khuynh hướng khoan dung với con cái và để chúng tự suy nghĩ về hoàn cảnh mà chúng phải đối mặt và tự chọn cách xử sự theo ý chúng.
Họ khó đáp ứng được nhu cầu tình cảm của bọn trẻ. Họ dẽ dàng cảm thấy kiệt sức khi bọn trẻ nói chuyện luôn mồm, chạy nhảy lung tung, không tự chủ được và những nhu cầu vô tận của chúng. Khi đó, họ thu mình lại và tìm cách thoát khỏi tình cảnh khó khăn này. Thực sự họ bận tâm về lũ trẻ nhưng họ không thể nào biểu lộ tình cảm, không biết cách vỗ về đứa con đang sợ hãi hoặc tìm hiểu xem chúng đang có khúc mắc gì. Con cái có thể nhầm tưởng rằng họ không quan tâm đến chúng.
Người cha nhìn xa trông rộng Họ tôn trọng cá tính của con cái, khuyến khích chúng tự suy nghĩ và tự chọn cách cư xử. Họ hành xử không theo cách truyền thống. Họ có thể tưởng tượng ra những điều khác thường, vui vẻ mà bọn trẻ có thể làm và có những trải nghiệm thú vị. Họ đặt ra tiêu chuẩn cao về bản thân và về bọn trẻ. Họ thường xuyên khuyến khích con cái tự nhận thức và tự phát triển. Họ mong đợi con cái tự mình vươn lên, chấp nhận những thử thách của cuộc sống và cố gắng hết sức mình cho dù gặp nhiều trở ngại. Họ tập trung vào những hiểu biết, tư tưởng, văn hóa, xã hội và giúp con cái có sự hiểu biết về cuộc sống.
Sống nội tâm và nhạy cảm, họ không chịu được sự lộn xộn và tiếng la ó ồn ào của lũ trẻ. Họ khó mà đối mặt với nhiều đứa con cùng một lúc. Họ thích tiếp xúc với từng đứa một hơn. Họ thường có ảo tưởng về bản thân và con cái. Họ có khuynh hướng điều chỉnh quá mức và tìm kiếm những lỗi lầm của con cái. Họ cũng có thể hy sinh nhu cầu bản thân để đảm bảo nhu cầu của mọi người được đáp ứng.
Người cha ổn định Họ có khuynh hướng cố gắng đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn uống của con cái. Họ duy trì sự an toàn bằng cách xác định rõ vai trò của
bố mẹ và con cái, những quy tắc ổn định và không thay đổi và những công việc thường nhật. Họ tin rằng con cái sẽ phải tự lập. Mục đích của họ là làm cho con cái thấm nhuần thói quen học tốt và cho chúng thấy thế nào là có trật tự và sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Họ phân công việc nhà cho bọn trẻ, mong chúng học tập tốt ở trường và tự dọn dẹp ngăn nắp sau khi chơi đùa hoặc học tập. Họ muốn bọn trẻ hiểu rõ đạo lý và trách nhiệm xã hội của chúng.
Là hình mẫu ông bố truyền thống, họ mong đợi con cái tuân theo mệnh lệnh của mình. Họ không chịu được sự mất trật tự, ồn ào, bất trị và dễ cảm động của bọn trẻ. Họ có thể trở nên cứng nhắc và đòi hỏi khắt khe. Do họ luôn ý thức về trách nhiệm và đạo lý nên họ thường đặt nhu cầu của con cái ở vị trí sau cùng. Con cái sẽ cảm thấy thiếu sự liên kết về tình cảm và có thể nghi ngờ tình cảm của họ đối với con cái.
Người cha lãnh đạo Họ đầy năng lượng và làm việc chăm chỉ. Họ cho rằng mình có nhiệm vụ phải kiểm soát bọn trẻ, trong mọi việc, theo cách mà họ tin rằng sẽ đem đến những điều tốt đẹp nhất cho chúng. Con cái sẽ cảm thấy an toàn vì họ luôn có cách để tiếp cận với mọi hoạt động của chúng. Họ mong muốn con cái phải lắng nghe một cách kính cẩn khi họ trò chuyện với chúng. Họ có thể sắp đặt mọi việc một cách hoàn hảo. Họ dạy bọn trẻ những quy tắc của cuộc sống và làm thế nào để sống tốt. Họ là hình mẫu của sự công bằng. Họ có thể giúp con cái giải quyết những khó khăn chúng gặp phải. Bọn trẻ sẽ học được cách làm một công dân tốt. Họ luôn có mặt bên con cái trong mọi hoạt động cộng đồng. Họ có thể làm mọi cách có thể để xây dựng nên một mạng lưới bao gồm bạn bè, gia đình mở rộng, các tổ chức cộng đồng để con cái luôn có cảm giác an toàn và được hỗ trợ.
Họ cho rằng mình có trách nhiệm đối với sự thành công và thất bại của con cái. Họ không thể để con cái được làm theo ý mình và họ không ủng hộ trẻ bộc lộ cá tính của chúng. Những đứa con lớn có thể cho rằng bố muốn kiểm soát của chúng. Họ tin rằng họ có thể kiểm soát được con cái.
Do vậy, họ có thể dồn nén cảm xúc của con mà không hề nhận ra rằng họ đang dồn nén sự sáng tạo và cá tính của chúng. Họ mong đợi con cái tuân theo các quy tắc xã hội, nếu chúng không làm vậy họ sẽ rất thất vọng. Họ thường xuyên đặt công việc lên trên các mối quan hệ, dành nhiều thời gian để làm việc mà không nhận ra được rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến con cái.