07/03/2017 10:00
Chính môi trường sống, đồ chơi, cách dạy dỗ chưa đúng của cha mẹ, mọi người xung quanh làm trẻ có xu hướng thích bạo lực
Buổi sáng, tôi thường cho con ra khoảng sân chung của mấy nhà để đi dạo, đá banh và giao lưu với mấy anh chị lớn hơn. Đang loay hoay nhặt trái banh cho con thì tôi nghe một tiếng “bốp”. Con trai tôi bị anh hàng xóm mới hơn 3 tuổi đánh lên đầu. Thấy con bị đánh đau, tôi xót con nên hỏi cháu bé kia: “Sao con đánh em?”. Vừa dứt câu thì mẹ cháu bé đã lao ra quất túi bụi vào mông thằng con và gằn từng tiếng: “Mày lại thế nữa. Vào nhà ngay. Nín! Không tao giết”. Tôi hết sức ngỡ ngàng vì cách dạy con của chị hàng xóm.
Cha mẹ cần định hướng cho con chơi các trò chơi lành mạnh, tránh các trò chơi quá mang tính bạo lực
Ảnh: SƠN NHUNG
Môi trường sống ảnh hưởng đến trẻ
Khu nhà tôi ở có 6 gia đình và 5 đứa trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Các bé chơi chung với nhau rất vui, chỉ riêng có Mạnh - con chị Minh, hay đánh, giành đồ chơi; thậm chí cắn cả các anh, chị lớn hơn. Thế nhưng, mỗi khi có ai nhắc nhở chị Minh xem lại cách giáo dục con thì chị lại lôi con vào nhà tru tréo lên: “Đã nói là mày không được chơi với mấy đứa đó nữa. Sao mày không nghe hả?”. Ở nhà, vợ chồng chị Minh hay cãi cọ, đánh nhau, xưng hô “mày, tao”; ngay cả nói chuyện với con, anh chị cũng kêu “mày”, xưng “tao”. Riết rồi ai cũng sợ Mạnh và thường canh chừng kỹ mỗi khi con mình phải chơi chung với thằng bé.
Bà chị họ của tôi mới đây cho biết chị thật sự bị sốc khi thấy cảnh bé Silk nhà chị lấy thức ăn nhét vào miệng mấy con búp bê và gằn lên: “Ăn đi. Ăn nhanh lên. Không ăn thì tao tát cho vỡ mặt ra đó”. Rồi con bé đến bên một con búp bê la lên: “Bà ngoại ơi, bà lại tè ra quần nữa rồi à. Chỉ làm khổ con thôi”. Chị kể: “Ở nhà chị rất chú trọng đến lời ăn tiếng nói với bé, không hề có kiểu ngôn ngữ xa lạ này. Vậy mà lại nghe con bé nói như vậy. Chị quyết định ghé qua trường mầm non Silk đang học thì phát hiện các cô bảo mẫu nói chuyện với các bé theo kiểu này. Thấy vậy, chị quyết định chuyển trường cho con ngay”.
Thích bắn giết và làm “đại ca”
Nói đến chuyện “con cái bị nhiễm bạo lực”, chị Hà, bạn đồng nghiệp của tôi, lắc đầu ngao ngán. Bảo, con chị, gặp ai cũng bắn “chéo chéo” và bảo: “Cô/chú bị trúng đạn rồi, ngã ra chết đi chứ” làm vợ chồng chị Hà vô cùng xấu hổ. Cưới nhau gần 5 năm, chị Hà mới sinh được bé Bảo. Không chỉ vợ chồng chị mà ông bà, cô, chú bác trong họ đều cưng bé, mua rất nhiều đồ chơi, quà cáp.
Bảo có một phòng riêng chứa toàn xe điều khiển, ro bot, súng, kiếm… nên miệng thằng bé lúc nào cũng “chéo, chéo, đùng đùng” hay “ta là siêu nhân đây, ngươi phải chết”. Vì chiều cháu nên mỗi lần Bảo nói: “Ông bà cũng trúng đạn rồi, chết đi chứ” thì ông bà nội cũng vờ lăn ra chết. Mỗi khi đòi thứ gì không được, Bảo lại nằm lăn ra đất khóc lóc và đánh túi bụi vào những người đến dỗ dành.
Chị Huyền, sinh hoạt chung nhóm “Những bà mẹ có con muộn” với tôi, vừa than thở: Cô giáo cu Bin gọi điện thông báo Bin đánh bạn chảy máu đầu. Đây không biết là lần thứ mấy vợ chồng chị bị cô giáo gọi kiểu này. Trước đây, Bin rất nhút nhát, lại sợ đi học vì bị bạn chê “Bin ù” do mới 3 tuổi mà Bin cân nặng ngót nghét 20 kg. Anh Bình, chồng chị Huyền, đã an ủi con: “Con phải nói với các bạn là mình to, khỏe và cứ mạnh dạn đánh bạn nào dám ăn hiếp mình”.
Không ngờ câu động viên của ba làm thằng bé tưởng thật và nạn nhân đầu tiên của Bin là cậu nhóc ngồi kế bên dám nhắc hai chữ: “Bin ù”. “Nhiều phụ huynh nói thẳng với vợ chồng mình rằng nếu Bin còn đánh con họ thì họ sẽ không tha cho thằng bé đâu. Rầu quá, chẳng biết làm sao khi con thích làm đại ca”... - chị Huyền than.
Dạy con ứng xử đúng mực Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đây là những biểu hiện của xu hướng bạo lực ở trẻ nhỏ. Tâm lý này của trẻ xuất hiện từ chính gia đình. Thông thường, trẻ con đòi thứ gì không được hay lăn ra khóc và đánh đấm bất cứ thứ gì trong tầm tay. Hoặc những đứa trẻ sống trong gia đình thích cư xử bạo lực thì cũng bị lây nhiễm… Dạy con từ thuở còn thơ là đây. Các bậc cha mẹ đừng “gieo mầm bạo lực” cho trẻ mà hãy dạy các cháu cư xử ôn hòa, đúng mực ngay từ khi còn nhỏ… |
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác