20/06/2019 12:00
Nằm cách trung tâm huyện hơn 40km, Ea Kuếh từ lâu được biết đến là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện CưM’gar. Trong thời gian qua, chuyện các gia đình sinh đông con không phải là chuyện ít gặp. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, chuyện sinh đông con không còn nhiều, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên tại xã Ea Kuếh đã có dấu hiệu giảm rõ rệt, gợi nên bức tranh khả quan về công tác Dân số-KHHGĐ tại địa phương.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn xảy ra ở xã Ea Kuếh. Ảnh: Võ Thảo
Xã Ea Kuếh có 1.967 hộ với 8.013 nhân khẩu, với trên 63% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo-cận nghèo còn cao. Cùng với đó trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, do vậy vẫn còn tâm lý thích sinh con trai ở người Kinh hay con gái đối với người Ê Đê để nối dõi tông đường, quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ”, “sinh đông con để có thêm lao động cho gia đình”, “đông con đông của…” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình nơi đây, dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trở lên ngày càng nhiều và diễn ra khá phổ biến, cùng với đó là tình trạng bỏ học, lấy vợ lấy chồng khi còn chưa đủ tuổi quy định chiếm tỷ lệ cao…
Trước thực trạng trên Ban Dân số xã đã chủ động tham mưu chính quyền xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng vào đối tượng chính các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã sinh đủ số con quy định, tư vấn, vận động họ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, không sinh thêm con. Để triển khai có hiệu quả, Ban Dân số xã đã linh hoạt lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể ở xã (sinh hoạt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật) và ở thôn, buôn để tuyên truyền, tư vấn, cấp phát phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu. Xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, thực hiện công tác DS-KHHGĐ với các ban, ngành như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông dân, Văn hóa thông tin, Ban giám hiệu trường THCS trên địa bàn xã...Kết quả trong 06 tháng đầu năm 2019 xã đã tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã được 50 lượt phát, lồng ghép họp nhóm 15 buổi với 300 đối tượng tham gia, tư vấn tại hộ gia đình cho 30 hộ (trong đó 10 hộ nghèo, 08 hộ cận nghèo); trong đó đáng chú ý là Ban Dân số đã kiên trì vận động 01 trường hợp đã bỏ học có ý định lấy chồng quay lại nhà trường đi học bình thường. Tiếp tục duy trì sinh hoạt hàng quý 02 mô hình câu lạc không sinh con thứ 3 tại Thôn Thác Đá và Buôn Thái với 58 thành viên tham gia, cấp phát 600 tờ rơi truyên thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên, làm mẹ an toàn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi, mất cân bằng giới tính khi sinh...
Cán bộ Y tế xã Ea Kuếh vcung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân.
Ảnh: Đình Quân
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/Dân số - KHHGĐ có nhiều chuyển biến, từng bước làm thay đổi hành vi của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn xã. Theo báo cáo của Ban Dân số xã Ea Kuếh, trong 06 tháng đầu năm 2019, toàn xã có 52 trẻ em được sinh ra, trong đó chỉ có 2 cháu là con thứ 3 trở lên, (chiếm tỷ lệ 7,7%), giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018, không có trường hợp cán bộ, đảng viên, viên chức sinh con thứ 3. Toàn xã từ năm 2018 đến nay cũng chưa xảy ra trường hợp tảo hôn nào. Xã Ea Kuếh hiện có 2.218 phụ nữ từ 15-49 tuổi, trong đó số phụ nữ có chồng là 1.503 chị, hiện mới có 1.101 chị sử dụng các biện pháp tránh thai, chiếm 66,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 63,5%.
Tuy nhiên công tác Dân số tại xã Ea Kuếh còn gặp một số khó khăn cần giải quyết đó là đội ngũ cộng tác viên chưa ổn định, tình trạng sinh con thứ 3 có giảm song chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, địa bàn dân cư rộng, nằm rải rác nên việc thu thập, cập nhật thông tin, cũng như triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa; phương tiện tránh thai miễn phí cấp cho đối tượng ngày càng bị cắt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu… Do vậy, trong thời gian tới xã Ea Kuếh cần tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, phối hợp thực hiện tiếp thị xã hội hóa phương tiện tránh thai nhằm giảm bớt một phần gánh nặng cho Nhà nước về kinh phí hỗ trợ phương tiện tránh thai miễn phí; tiếp tục phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban Giám hiệu trường THCS trên địa bàn xã tổ chức nói chuyện về sức khỏe sinh sản vị thành niên-thanh niên nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, mang thai vị thành niên có thể xảy ra, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương./.
Đình Quân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác