27/10/2019 08:18
Những năm qua, công tác dân số ở tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều kết quả đáng mừng, chính sách dân số từng bước chuyển trọng tâm từ Kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong thành công chung đó, ghi nhận vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Họ là những người gần dân nhất, luôn lắng nghe dân nói và phân tích dân hiểu về lợi ích của chính sách Dân số-KHHGĐ.
Tp Buôn Ma Thuột chú trọng tổ chức các hội nghị về dân số.
Ở thành phố Buôn Ma Thuột, hàng năm, ngành chức năng đã chủ động phối hợp triển khai nhiều hoạt động truyền thông về Dân số-KHHGĐ như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, vận động trực tiếp...Qua đó, cung cấp cho đội ngũ Trưởng thôn, buôn, Tổ trưởng tổ dân phố về các chủ trương, chính sách trong công tác dân số, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, lợi ích của kế hoạch hóa gia đình với phát triển kinh tế-xã hội. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhiều mô hình, câu lạc bộ Không sinh con thứ 3, Gia đình hạnh phúc, Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên...lần lượt được thành lập và ngày càng nhân rộng. Hàng năm, tiêu chí kế hoạch hóa gia đình được đưa vào để bình xét gia đình văn hóa, thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; đảng viên trong các chi bộ cơ sở luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ. Ông Lê Quang Tạ - Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Hàng năm, chúng tôi phối hợp với Cộng tác viên dân số để tuyên truyền chính sách dân số đến với người dân...”
Cán bộ dân số Krông Pắc vận động người dân kế hoạch hóa gia đình.
Còn tại huyện Krông Pắc, Ban tự quản, cấp ủy chi bộ luôn quan tâm, vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ. Ở đây, chính sách dân số được lồng ghép vào hương ước, quy ước của thôn, buôn, tổ dân phố. Với những nội dung được cụ thể hóa như: độ tuổi sinh con phù hợp nhất của phụ nữ là từ 22-35 tuổi; khoảng cách giữa các lần sinh là 3-5 năm; không phân biệt giới tính thai nhi...Những trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở, kiểm điểm và phải ký cam kết không tái phạm. Không những vậy, hàng tháng Ban tự quản phối hợp với Cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình để tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình, quan tâm việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân...để nâng cao chất lượng dân số.Ông Lê Bê – Trưởng Thôn Phước Lộc 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc cho biết: “Ngay từ ngày đầu xây dựng hương ước, chúng tôi đã lồng ghép vào các nội dung về Dân số-KHHGĐ...”
Mô hinh mỗi gia đình sinh đủ 2 con được người dân đồng tình ủng hộ.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 2.500 trưởng thôn, buôn và tổ trưởng tổ dân phố. Trong thời gian qua, nhờ phát huy tốt vai trò của đội ngũ này đã góp phần nâng cao kiến thức của Nhân dân về chính sách Dân số-KHHGĐ, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững...Hàng năm, các chỉ tiêu về dân số đều đạt kế hoạch được giao: hàng nghìn phụ nữ và em bé được sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; nhiều mô hình về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được thành lập...Tính đến năm 2018, ở tỉnh ta, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại chiếm gần 70%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 13,3%....Điều đáng mừng nhất là ý thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số chuyển biến mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần từng bước được cải thiện và nâng lên.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác