05/10/2022 09:00
Gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, hiện nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Đơn giản với họ, con nào cũng là con và sinh con ra khỏe mạnh đã là một điều may mắn…
Hạnh phúc khi sinh con gái
Đến Tổ dân phố Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hỏi gia đình anh Hứa Trụ Bằng (SN 1966) và chị Chu Thị Yến (SN 1975), ai nấy đều cảm thông bởi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Gia đình anh Bằng, chị Yến thuộc hộ cận nghèo. Chị Yến làm công nhân một công ty may trên địa bàn, thu nhập ít ỏi so với cuộc sống nơi đô thị. Còn anh Bằng – dù ốm đau, bệnh tật phải thuốc thang liên miên nhưng anh vẫn cố chạy xe ôm để kiếm thêm đồng ra đồng vào cùng vợ trang trải cuộc sống trong gia đình.
Dù chỉ sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, chật chội khoảng chừng 20m2 nhưng gia đình anh Bằng, chị Yến luôn cảm thấy hạnh phúc và luôn dành sự quan tâm, yêu thương tốt nhất đến cho các con.
Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy, nhưng đổi lại, anh chị có 2 cô con gái Hứa Minh Trang (2002) và Hứa Minh Thủy (2011) đều ngoan ngoãn, học giỏi. Minh Trang giờ là sinh viên năm cuối một trường Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Còn em gái Minh Thủy 5 năm liền là học sinh giỏi toàn diện - hiện đang học lớp 6 tại Trường THCS Thị trấn Văn Điển.
Minh Thủy cũng là 1 trong 100 trẻ em gái vinh dự được vinh danh tại Hội nghị "Gặp mặt biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10/2022" của huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức sáng nay (4/10).
Tại Hội nghị, ông Khuất Văn Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Thanh Trì cho biết, biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong những gia đình tiêu biểu thực hiện tốt công tác dân số là một trong những hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh từ đó, không lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh.
Các gia đình có trẻ em gái được biểu dương đều là những gia đình đã vượt lên tư tưởng, định kiến trọng nam khinh nữ, dừng lại ở 2 con để chăm lo và nuôi dạy con tốt, chăm ngoan, học giỏi. Các gia đình đều đạt các tiêu chuẩn gia đình có 2 con gái và không sinh con thứ 3; các bé gái có thành tích xuất sắc trong học tập; làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con tốt và chăm sóc nuôi dưỡng bố mẹ già tốt từ đó nêu gương những gia đình có thành tích tốt trên địa bàn nhằm xây dựng hình ảnh giá trị mới của phụ nữ, con gái trong gia đình và cộng đồng.
Theo ông Sơn, trong những năm qua, huyện Thanh Trì đã xây dựng những chương trình, kế hoạch giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các kế hoạch, chương trình được xây dựng theo giai đoạn, hàng năm và triển khai toàn diện, đã góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh của huyện Thanh Trì đã giảm từ 113 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2016 xuống còn 109 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2021.
Tăng cường truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Tăng cường truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thành phố Hà Nội cho biết, tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái, hoàn thành chỉ tiêu năm.
Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. "Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai", bà Nguyễn Minh Xuân nhấn mạnh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại một số đơn vị Thanh Xuân, Đan Phượng tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì tổ chức Hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu; Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10…
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Tuy nhiên, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.
Do vậy, lãnh đạo ngành Dân số Thủ đô cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đồng thời tăng cường triển khai các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thể lực tầm vóc người Hà Nội; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Riêng vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường công tác phối hợp, điều phối giữa các ban ngành, đoàn thể các tổ chức trong việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo và truyền thông lồng ghép với các nội dung chuyên đề tại cộng đồng về mất cân bằng giới tính khi sinh và thực thi chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới góp phần làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái. Tuyên truyền về già hóa dân số, cộng đồng chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Nguyễn Mai
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác