15/10/2022 01:59
Vượt qua số phận, rào cản xung quanh, 35 cặp đôi "vầng trăng khuyết" đã cùng nhau ghép lại để tạo nên chuyện tình đầy ngưỡng mộ. Họ đã minh chứng cho câu nói "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn".
"Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn"
Câu nói ấy thật đúng với những cặp vợ chồng khuyết tật đã được vinh danh trong chương trình "Hạnh phúc người khuyết tật" diễn ra tại Hà Nội mới đây. Những câu chuyện của cặp đôi được chia sẻ khiến nhiều người thực sự ngưỡng mộ. Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hậu và chị Nguyễn Thị Lương (Hải Phòng) đến với nhau khi cả hai không lành lặn, nhưng họ đã cùng nhau vun đắp lên một ngôi nhà đầy hạnh phúc.
Anh Hậu kể, đang học lớp 8, chân tay của anh bị teo dần, co quắp không thể đi lại được, chỉ lê với bò. Nhiều năm sống trong mặc cảm, tự ti và đau đớn về mặt thể xác, nhiều lần anh đã muốn từ bỏ cuộc sống. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau ấy, anh quyết tâm đi học nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Trong một lần về thăm người thân ở Hải Dương, anh quen chị Lương.
Ban đầu gia đình hai bên đều phản đối vì lo hai vợ chồng khuyết tật sẽ không có tương lai và cuộc sống ổn định. Anh chị đã thuyết phục mọi người bằng những dẫn chứng cụ thể, hợp lý để gia đình đồng ý cho anh chị đến với nhau. Anh chị đã xây dựng 1 gia đình hạnh phúc với 2 con và phát triển kinh tế. Năm 2009, với sự giúp đỡ của bố mẹ, gia đình, đặc biệt là sự động viên của chị Lương, anh Hậu mở xưởng gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu.
Để phát triển kinh doanh, anh chị vay mượn gần 1 tỷ đồng đầu tư dàn máy CNC, nâng doanh thu của cơ sở lên 60 triệu đồng/tháng. Hiện, xưởng tạo việc làm và dạy nghề cho nhiều lao động khuyết tật và khỏe mạnh tại địa phương. Anh chị là 1 trong 22 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2020. Ngoài ra, anh Hậu còn tích cực tham gia hoạt động xã hội và cộng đồng, được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhiều lần khen thưởng. Anh mong muốn được tạo điều kiện về chính sách, vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, giúp đỡ người đồng cảnh.
Từ một chàng trai khỏe mạnh, căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc đã khiến đôi mắt của anh Bính mờ dần rồi mù hẳn. Được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và sự nỗ lực của bản thân, anh đã tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Lưu trữ và quản trị văn phòng tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Trong quá trình tham gia sinh hoạt tại Hội người mù huyện Yên Phong, anh gặp chị Dịu quê Thái Bình. Ban đầu là sự cảm mến, rồi dần dần chuyển thành tình yêu. Vượt qua định kiến, chứng minh tình cảm của cả hai với gia đình, anh chị cùng nhau xây dựng tổ ấm, là điểm tựa cho nhau phấn đấu vươn lên.
Anh Bính hiện là Phó chủ tịch Hội người mù huyện Yên Phong, chị Dịu thì đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ y học dự phòng tại trường ĐH Y dược Thái Nguyên và hiện công tác ở Khoa YTCC-DD và ATTP, Trung tâm y tế huyện Yên Phong. Ngoài giờ làm, anh phụ chị làm việc nhà, trông con. Anh chị có 2 bé 5 tuổi và 1 tuổi. Ngoài ra, anh chị còn vay vốn ngân hàng mở một cơ sở kinh doanh nhỏ, là nhà phân phối độc quyền ngành hàng pin Panasonic tại Bắc Ninh, doanh thu mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh là người lên ý tưởng, tính toán, chị là người thực hiện. Đúng với câu nói "thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn".
Chia sẻ tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Năng Bính nói rằng rào cản lớn nhất trong tình yêu của anh không phải là sự ngăn cản của gia đình hay xã hội mà là chính bản thân mình khi mà đến với một người vợ không bị khuyết tật. Anh Bính tâm sự: "Điều khó nhất là làm sao để luôn giữ lửa trong tình yêu, cho họ đủ niềm tin để thấy mình là chỗ dựa vững chắc, đồng hành cùng mình. Sự chân thành, cố gắng là điều rất quan trọng. Tôi nhận ra mình muốn có hạnh phúc cần phải cố gắng học tập, tìm kiếm việc làm, phục hồi chức năng cho bản thân để mọi người thấy mình là người có ích. Chính bản thân người khuyết tật cần phải coi mình là người bình thường để không lấy lý do đó trốn tránh trách nhiệm, bao biện cho sự thiếu cố gắng của bản thân".
Hạnh phúc "vợ chồng người khuyết tật"
Chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật được triển khai 5 năm một lần nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nói chung và trong tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nói riêng. Thông qua đó khích lệ tinh thần, động viên người khuyết tật phát huy khả năng, xây dựng và gìn giữ gia đình ấm no, hạnh phúc, trở thành tấm gương cho những người đồng cảnh cùng cố gắng vươn lên. Những câu chuyện xúc động, chân thực của các đại biểu, những tiết mục văn nghệ do chính người khuyết tật thể hiện là minh chứng sinh động cho thấy người khuyết tật có thể làm được nhiều việc như người lành lặn.
Chương trình giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật" năm 2022 theo chủ đề "Hạnh phúc Vầng trăng khuyết" lần này có 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu và các con của họ đến từ 33 tỉnh, thành trên cả nước được lựa chọn. Trong đó thành phố Hà Nội và Đà Nẵng có 2 cặp vợ chồng; 14 cặp chồng khuyết tật - vợ lành; 3 cặp chồng lành - vợ khuyết tật; 18 cặp hai vợ chồng đều khuyết tật.
35 cặp vợ chồng là 35 câu chuyện tình yêu, hôn nhân với nhiều cung bậc cảm xúc, thăng trầm, giông bão. Họ đã phải vượt qua biết bao khó khăn trở ngại để đến được với nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, đơn giản chỉ mong luôn được bên nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
P.Thuận
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác