01/04/2016 12:00
Chiều ngày 30/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và 3 điểm cầu tại Viện Pasteur Tp.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo bệnh dịch do vi rút Zika ở Việt Nam lên mức 2.
Chiều ngày 30/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và 3 điểm cầu tại Viện Pasteur Tp.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo bệnh dịch do vi rút Zika ở Việt Nam lên mức 2.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì buổi họp trực tuyến 4 điểm cầu chiều ngày 30/3/2016.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới và nguy cơ dịch có thể xâm nhập lây lan tại Việt Nam, đồng thời với sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã họp khẩn cấp trực tuyến giữa 4 điểm cầu do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì nhằm thống nhất triển khai công tác đáp ứng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên cả nước.
Tham dự buổi họp tại điểm cầu Hà Nội có: Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi – Bộ Y tế; Đại diện một số Bộ, ngành liên quan; Sở Y tế Hà Nội; Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới trung ương; Các đơn vị y tế thành phố Hà Nội và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí trong nước. Tại điểm cầu Viện Pasteur Tp.HCM có sự tham gia của: Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Tp.HCM; Đại diện các Viện, bệnh viện ở Tp.HCM. Điểm cầu Nha Trang có sự tham dự của: Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang. Tại điểm cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên có sự tham dự của: Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: tính từ đầu năm 2016 đến ngày 30/3/2016, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố, kết quả tất cả đều âm tính với vi rút Zika. Như vậy, tính tới thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng báo cáo tình hình đáp ứng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào nước ta và lây lan tại cộng đồng là hoàn toàn có thể do nước ta có sự giao lưu, đi lại, thương mại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch; đồng thời, muỗi Aedes truyền bệnh lưu hành phổ biến tại các địa phương. Vì thế, để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan rộng tại Việt Nam, Bộ Y tế tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên các phương diện quan trọng như: chỉ đạo, giám sát, hậu cần, truyền thông.
Về giám sát, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch, đặc biệt tại các địa phương nơi có nguy cơ cao để có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời bao gồm giám sát tại các cửa khẩu, cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt là tại các phòng khám đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika. Hiện có 11 đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm bao gồm 06 tuyến Trung ương và 05 đơn vị tuyến tỉnh, trong đó 03 đơn vị đã tiến hành xét nghiệm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, Bộ thực hiện giám sát các trường hợp sát đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi; Tổ chức tập huấn về các hướng dẫn chuyên môn phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế của 63 tỉnh, thành phố.
Về công tác truyền thông, Bộ Y tế sẽ luôn cập nhật thường xuyên các thông tin về tình hình dịch trên thế giới và các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên Website của Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng; Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn khách nhập cảnh và người dân về phòng chống dịch do vi rút Zika.
Về công tác hậu cần, ngành y tế sẽ nỗ lực chủ động chuẩn bị các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bao gồm: nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh, sinh phẩm, hóa chất để sẵn sàng phục vụ việc giám sát, xử lý ổ dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân.
Kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Muốn không có ca bệnh, hoặc ca bệnh không lây truyền rộng rãi thì chúng ta phải phòng chống muỗi, muốn phòng chống muỗi thì phải diệt loang quăng, bọ gậy. Để làm được như vậy, người dân và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt trẽ với nhau trong công tác phòng chống dịch”. Theo đó, Bộ trưởng khuyến cáo người dân cần đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Bộ trưởng cũng khẳng định ngành y tế sẽ liên tục duy trì đường dây nóng và cập nhật các thông tin mới nhất đến với cộng đồng cũng như các cơ quan thông tấn một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và minh bạch. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị người dân chủ động theo dõi thông tin, khuyến cáo được đăng tải chính thức trên website của Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế để nắm được các thông tin cần thiết, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác